Phồng Đĩa Đệm: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

4.8/5 - (6 bình chọn)

Phồng đĩa đệm được xem là yếu tố tiền đề dẫn đến tình trạng thoát vị ở nhiều người bệnh. Liệu bạn đọc đã nắm rõ được nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng như triệu chứng và cách điều trị hiệu quả nhất hay chưa? Hãy cùng với bài viết dưới đây tìm hiểu thêm những thông tin hữu ích xoay xung quanh chủ đề bệnh lý này.

Phồng đĩa đệm - một dạng của thoát vị đĩa đệm
Phồng đĩa đệm – một dạng của thoát vị đĩa đệm

Phồng đĩa đệm là gì? Nguyên nhân hình thành

Cột sống của con người được cấu tạo từ các đốt xương ngắn, nằm giữa chúng là những đĩa mềm có tác dụng giảm xóc và ngăn ngừa tổn thương mô xương khi cơ thể di chuyển hay vận động mạnh. Đĩa đệm gồm có phần bao xơ bảo vệ bên ngoài và phần nhân nhầy dạng lỏng có kết cấu giống như kẹo thạch ở bên trong.

Nếu đĩa đệm bị trượt ra khỏi vị trí ban đầu sẽ dẫn đến hiện tượng phần nhân lỏng tích tụ tại một điểm, gây ra phồng đĩa đệm. Tình trạng này còn được biết đến với cái tên lồi đĩa đệm, trong trường hợp kéo dài không điều trị có thể tiến triển thành thoát vị. Phình đĩa đệm có khả năng xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trên cột sống, tuy nhiên thường gặp nhất là ở khu vực đốt sống L5 – S1 hoặc L4 – L5.

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Khi con người già đi, cột sống dần bị thoái hóa và bào mòn, dẫn đến việc các đĩa đệm nằm giữa đốt xương sống dễ bị tổn thương hơn. Bên cạnh yếu tố tuổi tác, phồng đĩa đệm có thể là kết quả của một số các vấn đề khác như:

  • Thói quen sống kém khoa học: Những người ít vận động hay nghiện thuốc lá có thể khiến lưu lượng máu đến nuôi dưỡng cột sống thiếu hụt hàm lượng oxy tự nhiên cần thiết. Hậu quả là đĩa đệm trở nên yếu hơn, dễ bị trượt ra khỏi vị trí ban đầu. Không những vậy, thói quen sống kém khoa học còn thúc đẩy tình trạng lồi đĩa đệm phát triển nhanh hơn.
Lười vận động có thể là nguy cơ dẫn đến phồng đĩa đệm
Lười vận động có thể là nguy cơ dẫn đến phồng đĩa đệm
  • Cột sống chịu nhiều áp lực: Khi cột sống phải chịu các áp lực hoặc căng thẳng từ bên ngoài, ví dụ như chấn thương, mang vác vật nặng, sai tư thế,…sẽ khiến cơ lưng bị suy yếu và kéo theo tình trạng bao xơ đĩa đệm mất khả năng đàn hồi, co giãn ban đầu.
  • Cân nặng dư thừa: Những người có cân nặng vượt quá chỉ số thông thường thường có cột sống yếu hơn. Nguyên nhân là do cột sống phải chịu quá nhiều áp lực khi nâng đỡ toàn bộ cơ bắp và khối thịt của cơ thể. Về lâu dài, béo phì kết hợp với việc lười vận động có thể dẫn tới tình trạng phình đĩa đệm.
  • Đặc thù công việc: Có một số công việc khiến cột sống dễ dàng chịu tổn thương, ví dụ như: Người làm việc văn phòng ngồi hơn 6 tiếng mỗi ngày, vận động viên chạy bộ sử dụng giày không hỗ trợ chỉnh hình, người lao động chân tay mang vác trong thời gian dài,….  

Biểu hiện ở người bị phồng đĩa đệm

Nếu tình trạng phồng đĩa đệm mới ở giai đoạn khởi phát, nghĩa là chưa đến mức thoát vị, người bệnh có thể không cảm nhận được bất kỳ dấu hiệu cụ thể nào. Tuy nhiên, nếu lồi đĩa đệm đã phát triển đến mức đè nén lên các dây thần kinh ở khu vực lân cận, bệnh nhân thường sẽ có một số các triệu chứng dưới đây:

  • Cảm giác tê ngứa kèm theo đau từng cơn ở vùng cổ, vai, gáy hoặc chạy dọc theo hai chi trên (cánh tay, cổ tay, bàn tay và ngón tay). Thông thường, dấu hiệu này cho thấy khả năng các dây thần kinh vùng chậu đang bị chèn ép bởi đĩa đệm phồng. 
  • Cơn đau khó chịu vùng hông, mông, lan rộng xuống vùng đùi và hai chân. Đây được xem là triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng phình đĩa đệm khu vực thắt lưng.
  • Khả năng di chuyển bị hạn chế. Người bệnh cũng có thể cảm thấy yếu sức ở hai chân hoặc khó có thể cầm nắm hay nâng đỡ vật nặng.

Lưu ý: Tìm kiếm sự trợ giúp y tế sớm nhất nếu gặp phải các triệu chứng sau:

  • Chi dưới mất cảm giác, tê rần hoặc cảm thấy như kiến bò. Thông thường, tình trạng này chỉ xảy ra ở một bên chân và là dấu hiệu cho thấy dây thần kinh tọa đang bị chèn ép.
Phồng đĩa đệm có thể khiến người bệnh cảm thấy tê rần ở chân
Phồng đĩa đệm có thể khiến người bệnh cảm thấy tê rần ở chân
  • Người bệnh mất kiểm soát trong tiểu tiện, thường xuyên tiểu són, tiểu rắt. Đây thường là hậu quả của việc đĩa đệm căng phồng và chèn lên các dây thần kinh hệ thống bàng quang.
  • Co thắt các cơ vùng ngực, lưng trên hoặc dạ dày.

Phồng đĩa đệm có chữa khỏi được không? Có nguy hiểm không?

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến dấu hiệu nhận biết hay nguyên nhân gây bệnh, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi liệu lồi đĩa đệm có chữa khỏi được không, có nguy hiểm đến tính mạng hay không? 

Theo các bác sĩ, nếu nguyên nhân gây ra tình trạng này là do tuổi tác, có nghĩa đây là vấn đề lão hóa tự nhiên thì không có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm.

Việc dùng thuốc hay vật lý trị liệu chỉ có tác dụng hỗ trợ cải thiện triệu chứng và phòng ngừa diễn tiến xấu xảy ra. Còn đối với các trường hợp chấn thương, tùy vào mức độ nghiêm trọng mà các chuyên gia sẽ đánh giá khả năng hồi phục ở mỗi bệnh nhân.

Nếu phồng đĩa đệm không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời, nó có thể dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi phân nhân lỏng tràn ra khỏi bao xơ thông qua vết rách, chèn ép dây thần kinh hoặc xâm nhập vào ống tủy sống. Từ thoát vị, cơ thể có thể sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm khác, ví dụ như mất kiểm soát bàng quang và đường ruột, mất cảm giác chi dưới hay thậm chí là bại liệt.

Chính vì vậy, người bệnh cần dành thời gian đi kiểm tra tổng thể cũng như kiểm tra cơ xương khớp 6 tháng một lần để đảm bảo phát hiện kịp thời những nguy cơ tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chẩn đoán phồng đĩa đệm thế nào?

Chẩn đoán phồng đĩa đệm thường bao gồm nhiều vấn đề. Trước tiên, các bác sĩ sẽ thống kê những triệu chứng mà bệnh nhân từng gặp phải cũng như tiền sử bệnh lý trước đây, ví dụ như có từng gặp chấn thương cột sống nào hay không.

Sau đó, họ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số bài kiểm tra thể chất bên ngoài cùng với những thủ tục chuyên sâu dưới đây:

  • Chụp cộng hưởng từ MRI: MRI là phương pháp sử dụng một máy quét lớn bao quát toàn bộ hình ảnh của xương cột sống. MRI thoát vị đĩa đệm giúp các bác sĩ xem xét kỹ lưỡng được mức độ phình giãn của đĩa đệm cũng như vấn đề dây thần kinh bị đè nén. Phương pháp này cũng không sử dụng các bức xạ ion hóa có hại cho cơ thể. Tuy nhiên, kỹ thuật chẩn đoán này có chi phí cao nên không phải người bệnh nào cũng có thể thực hiện. 
Chụp MRI là phương pháp chẩn đoán bệnh phổ biến
Chụp MRI là phương pháp chẩn đoán bệnh phổ biến
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang là một biện pháp khá phổ biến đối với các vấn đề liên quan đến cơ xương khớp. Thông qua một thiết bị y tế, các tia X sẽ ghi lại tình trạng cột sống của người bệnh thông qua ảnh phim X-quang. Tuy nhiên, X-quang có hạn chế là không thể hiện được rõ nét mức độ tổn thương của đĩa đệm.
  • Chụp cắt lớp vi tính CT: Chụp cắt lớp vi tính CT, hay còn gọi là CAT scan, là phương pháp sử dụng máy tính và máy quay X-quang để chẩn đoán các chấn thương trong cơ thể. Khác với X-quang, hình ảnh của CT scan chi tiết hơn, cho phép bác sĩ nhận định rõ tình trạng lồi đĩa đệm. 

Điều trị phồng đĩa đệm như thế nào?

Việc lựa chọn phương pháp điều trị tình trạng phình đĩa đệm còn phụ thuộc vào tuổi tác người bệnh, các vấn đề sức khỏe liên quan và mức độ tiến triển của bệnh. Thông thường, với các trường hợp bệnh do lão hóa, các bác sĩ thường khuyến khích người bệnh kết hợp dùng thuốc cùng với xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học.

Dưới đây là một số biện pháp chữa bệnh phồng đĩa đệm phổ biến:

Dùng thuốc tân dược trị lồi đĩa đệm

Sử dụng các loại thuốc Tây y đa phần chỉ có tác dụng cải thiện tình trạng đau nhức hoặc tê rần khó chịu. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được loại dược phẩm có khả năng chữa trị dứt điểm tình trạng đĩa đệm bị phình to. Danh sách thuốc được chỉ định gồm có:

  • Thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau được sử dụng khá phổ biến vì tác dụng nhanh chóng và dễ dàng tìm mua. Tuy nhiên, hiệu quả mà thuốc giảm đau đem lại chỉ là tạm thời, người bệnh không nên lạm dụng vì có thể để lại di chứng lâu dài. Ví dụ: Paracetamol, naproxen, ibuprofen, aspirin,…
  • Thuốc chống viêm có chứa steroids: Trong trường hợp các thuốc giảm đau liều nhẹ không phát huy được tác dụng, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống viêm chứa steroids. Các loại thuốc này thường được dùng trong khoảng 7 đến 10 ngày. Ví dụ: Dexamethasone, protopic,…

THAM KHẢO:

Đông y hỗ trợ cải thiện tình trạng phồng đĩa đệm

Giống như Tây y, Đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ là chủ yếu. Trước khi sử dụng các bài thuốc Đông y chữa thoát vị đĩa đệm này, người bệnh nên được thăm khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn.

  • Bài thuốc độc hoạt ký sinh: Bài thuốc này là sự kết hợp của các dược liệu tế tân, thạch chi, cam thảo, đương quy, tần gia, phục linh, độc hoạt, phòng phong, xuyên khung,…Người bệnh sắc thuốc với nước lạnh, chia làm 2-3 lần dùng trong ngày. Trong trường hợp cơ thể di chuyển nặng nề và khó khăn, người bệnh có thể bổ sung thêm các vị thương truật, lạc thạch đằng, uy linh tiên và hải phong đằng.
Đông y hỗ trợ cải thiện triệu chứng hiệu quả
Đông y hỗ trợ cải thiện triệu chứng hiệu quả
  • Bài thuốc quế chi gia cát căn: Trong bài thuốc này gồm có các dược liệu quy đầu, cát căn, quế chi, bạch thược, táo đỏ, sinh khương, xuyên khung, cam thảo, tam thất, mộc qua,..được đem sắc trong nửa tiếng cùng với nước lạnh. Người bệnh chia nước thuốc làm ba lần dùng trong ngày, sau các bữa ăn chính.

Các mẹo tại nhà cải thiện bệnh hiệu quả

Người bệnh nên kết hợp thêm các biện pháp điều trị tại nhà như sau:

  • Xoa bóp lưng với tinh dầu thảo dược: Liệu pháp xoa bóp cùng với tinh dầu có thể giúp người bệnh cảm thấy cơ thể dễ chịu hơn, giảm thiểu tình trạng đau nhức và tê buốt đồng thời hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ. Người bệnh lưu ý nên hâm nóng tinh dầu trước khi sử dụng để xoa bóp cũng như lựa chọn các loại tinh dầu có hoạt chất chống viêm, ví dụ như tràm trà, quế, bạc hà,…
  • Chườm lạnh: Sử dụng đá viên để chườm lạnh có thể giúp người bệnh “đánh bay” các cơn đau nhức khó chịu một cách nhanh chóng. Cách thực hiện cũng rất đơn giản, chỉ cần cho đá viên đông lạnh vào trong một chiếc khăn mặt rồi áp lên vùng bị đau trong khoảng 5 phút. Tiếp tục thực hiện thêm vài lần cho đến khi cảm thấy dễ chịu hơn. Lưu ý không để túi chườm trên da quá lâu vì có thể gây kích ứng da.
  • Ngâm mình trong bồn nước ấm: Bồn nước ấm là một biện pháp tuyệt vời để cải thiện triệu chứng đau nhức cũng như giúp lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể tốt hơn. Mỗi lần ngâm mình khoảng 10 phút, thực hiện đều đặn hàng ngày.

Phòng ngừa và chăm sóc người bệnh phồng đĩa đệm

Để phòng ngừa cũng như chăm sóc tốt cho cơ thể trong quá trình điều trị phình đĩa đệm, người bệnh nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ vùng lưng: Các thiết bị hỗ trợ này không chỉ giúp người bệnh thuận tiện hơn trong quá trình vận động, di chuyển mà còn ngăn ngừa đĩa đệm bị tổn thương. Bên cạnh đó, chúng cũng đảm bảo người bệnh không bị sai tư thế khi ngồi làm việc. Người bệnh có thể tìm mua các thiết bị này tại các cửa hàng dược phẩm và thiết bị y tế, ví dụ như đai lưng chống thoát vị, nẹp lưng dành cho người lồi đĩa đệm,…
Người bệnh phình đĩa đệm có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ
Người bệnh phình đĩa đệm có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ
  • Dành thời gian luyện tập mỗi ngày: Vận động có thể khiến lưu thông máu được cải thiện đồng thời giúp cơ bắp được thư giãn và giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, người bệnh nên lựa chọn các bộ môn thể thao ít gây thương tổn cho cột sống, ví dụ như bơi lội, yoga hay đi bộ.
  • Lựa chọn thực phẩm phù hợp: Một thực đơn lành mạnh không chỉ giúp cải thiện các triệu chứng đau nhức khó chịu, tăng cường bổ sung dưỡng chất nuôi dưỡng phần xương cột sống mà còn có khả năng duy trì thể trọng cơ thể ở mức phù hợp. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích nên thêm vào bữa ăn cho người thoát vị đĩa đệm những loại thực phẩm như động vật có vỏ (tôm, cua, hàu,..), trái cây và rau có màu đậm (ớt chuông, cải xoăn, cà rốt, mâm xôi), các sản phẩm từ đậu nành, oliu đen, hạt lanh, hạt chia, cá biển,…
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Việc nghỉ ngơi thư giãn đầy đủ có thể giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục và hạn chế các cơn đau tiến triển thêm. Người bệnh nên sử dụng loại đệm giường có độ mềm vừa phải, có thể lắp máy sưởi bên dưới để thực hiện chườm nóng cho vùng lưng hàng ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân không nên dùng gối đầu quá cao hoặc không gối đầu vì điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến cột sống.

Bài viết trên đây hy vọng đã giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức mới liên quan đến bệnh lý phồng đĩa đệm. Sức khỏe cột sống có vai trò rất quan trọng với chất lượng cuộc sống. Vì thế, bạn cần dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc thông qua việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể thao thường xuyên và hạn chế vận động mạnh gây áp lực cho cột sống.

Cập nhật: 4:49 PM , 30/05/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
Top