Thoát Vị Đĩa Đệm Chèn Dây Thần Kinh Là Bị Gì? Dấu Hiệu, Cách Chữa?

5/5 - (6 bình chọn)

Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh có thể gây ra cảm giác đau đớn tại nhiều khu vực trên cơ thể, bao gồm cả tay chân hay vùng hông. Không những vậy, người bệnh còn gặp phải nhiều cản trở trong sinh hoạt thường ngày. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Cách điều trị nào mang lại hiệu quả nhất? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh

Đĩa đệm thường nằm giữa các đốt xương cột sống, giữ vai trò chống sốc và đảm bảo mọi hoạt động của cơ thể linh hoạt và dẻo dai hơn. Tuy nhiên, nếu đĩa đệm gặp tổn thương khiến chúng bị lệch khỏi vị trí ban đầu thì tình trạng thoát vị đĩa đệm sẽ xảy ra.

Khi một đĩa đệm trượt khỏi vị trí, phần nhân bên trong có thể dịch chuyển đến gần phần bao xơ mềm yếu, khiến bao xơ bị rách rồi tràn ra ngoài cột sống. Lúc này, nhân nhầy chèn ép lên các dây thần kinh ở khu vực lân cận, các bác sĩ gọi hiện tượng này là thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm chèn ép dây thần kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là đối tượng người cao tuổi. Nguyên nhân là vì tình trạng lão hóa đã bắt đầu bào mòn đĩa đệm, khiến chúng mất dần độ đàn hồi và chất lỏng, trở nên dễ rạn nứt và tổn thương.  Bên cạnh lý do tuổi tác, còn có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến thoát vị chèn ép dây thần kinh khác như:

  • Chấn thương đột ngột: Các chấn thương đột ngột như tai nạn xe cộ, tai nạn lao động,..có thể khiến vùng cột sống phải chịu áp lực quá lớn. Hậu quả là bao xơ đĩa đệm bị rách, khiến phân nhân nhầy bên trong tràn ra ngoài và đè nén lên các dây thần kinh xung quanh.
  • Thói quen sống thiếu khoa học: Các thói quen như ngồi quá lâu, mang vác vật nặng sai tư thế,…chính là những nguy cơ phổ biến nhất gây ra các vấn đề cơ xương khớp. Nguyên nhân do đĩa đệm phải chịu áp lực trong một thời gian dài, khiến chúng trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương hơn.
Mang vác vật năng sai tư thế có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm
Mang vác vật năng sai tư thế có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm
  • Béo phì: Theo các nghiên cứu khoa học, tình trạng thừa cân béo phì có thể làm gia tăng nguy cơ cong vẹo cột sống cũng như thoát vị đĩa đệm. Bời vì cột sống cần phải nâng đỡ các cơ bắp và khối thịt trong một khoảng thời gian dài cũng như việc người béo phì hạn chế vận động do thân thể quá nặng nề.

Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh có triệu chứng gì?

Người bệnh gặp vấn đề thoát vị đĩa đệm chèn ép dây thần kinh thường có các triệu chứng dưới đây: 

  • Cảm giác đau nhức ở các chi: Tùy vào vị trí dây thần kinh bị chèn mà người bệnh có thể nhận thức được cảm giác đau nhức khó chịu ở các khu vực khác nhau. Ví dụ: Nếu đĩa đệm chèn lên dây thần kinh vùng thắt lưng, bệnh nhân thường cảm thấy đau ở vùng hông, mông, đùi và chạy dọc xuống hai chân. Nhưng nếu chúng đè nén dây thần kinh vùng vai gáy, cơn đau thường xuất hiện ở cánh tay và bàn tay.
  • Cảm giác tê buốt hoặc kiến bò: Dù không phổ biến nhưng trong một số trường hợp người bệnh có thể cảm thấy tê buốt hoặc lâm râm kiến bò ở hai tay hoặc hai chân. Đây là dấu hiệu cho thấy phần đĩa đệm thoát vị đã gây áp lực lên các dây thần kinh tọa.
  • Phạm vi chuyển động bị hạn chế: Triệu chứng này có thể được xem là kết quả của tình trạng đau nhức các chi dưới. Khi cơn đau nhức kéo dài dai dẳng và khó chịu, người bệnh thường nhận thấy phạm vi cũng như khả năng di chuyển hạn chế, đặc biệt là trong trường hợp leo cầu thang hay đi bộ trong nhiều giờ đồng hồ. Không những vậy, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh còn có thể cảm thấy mất sức, yếu sức đáng kể ở các chi.
  • Mất khả năng khống chế bàng quang và đường ruột: Tình trạng này thường xảy ra ở những người thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng, khi phần nhân bên trong chèn ép vào các dây thần kinh kiểm soát bàng quang và đường ruột. Hậu quả là người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu như đi tiểu són, đi đại tiện nhiều lần,…Triệu chứng này cũng được xem là tình trạng y tế khẩn cấp và cần có sự trợ giúp y tế kịp thời để tránh nguy cơ biến chứng.

Điều trị thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh

Việc điều trị tình trạng bệnh lý này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng cũng như tuổi tác của người bệnh. Trong những trường hợp thoát vị do lão hóa, người bệnh không thể chữa trị dứt điểm mà chỉ có thể hỗ trợ cải thiện cũng như ngăn chặn tiến triển xấu thông qua các biện pháp y tế. Dưới đây là các biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm phổ biến nhất:

Dùng các loại thuốc Tây y trị thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh

Các bác sĩ thường kê đơn một số các loại thuốc thoát vị đĩa đệm giúp làm giảm triệu chứng khó chịu, chúng gồm có:

  • Các thuốc chống viêm không chứa steroids: Các thuốc chống viêm NSAIDs là lựa chọn được rất nhiều người bệnh ưu tiên bởi công dụng giảm đau nhanh chóng. Người bệnh có thể sử dụng naproxen hay ibuprofen. Tuy nhiên, thời gian uống thuốc không được quá 10 ngày, bởi vì việc dùng NSAIDs quá lâu có thể làm gia tăng nguy cơ tim mạch hoặc chảy máu trong.
Thuốc chống viêm NSAIDs giúp giảm đau do thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh gây ra
Thuốc chống viêm NSAIDs giúp giảm đau do thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh gây ra
  • Các thuốc giảm đau gây nghiện: Không giống như NSAIDs, liều lượng các chất giảm đau của loại thuốc này thường cao hơn và tác dụng cũng nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện như codein và oxycodone-acetaminophen cần được sự đồng ý từ bác sĩ cũng như chỉ thích hợp trong trường hợp thuốc chống viêm NSAIDs không phát huy tác dụng như mong muốn.
  • Các thuốc giãn cơ liều nhẹ: Với các trường hợp bị co thắt các cơ vùng thắt lưng, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng một số loại thuốc giãn cơ, ví dụ như amitriptyline, duloxetine, pregabalin và tramadol. Các loại thuốc này cũng có khả năng giảm đau do tổn thương dây thần kinh gây ra.

Đông y trị thoát vị đĩa đệm dứt điểm

Không chỉ sử dụng các loại thuốc tân dược, nhiều người bệnh cũng tìm kiếm trợ giúp từ các bài thuốc Đông y. Sự kết hợp của nhiều loại thảo dược trong y học cổ truyền có khả năng làm giảm các cơn đau nhức kèm tê buốt, bên cạnh đó còn giúp điều hòa khí huyết và tăng cường lưu thông máu. Dưới đây là một số bài thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm tiêu biểu:

  • Bài thuốc số 1: Với bài thuốc số 1, người bệnh cần chuẩn bị các vị thuốc sau đào nhân, đương quy, cam thảo, nhũ hương, địa long, ngưu tất, tần giao, hồng hoa, tục đoạn, độc hoạt, phòng phong,…Sau đó, đem sắc trong ấm đất cùng với hai bát nước lọc trong một tiếng, để nguội dùng uống trong ngày.
  • Bài thuốc số 2: Các loại dược liệu trong bài thuốc này gồm có tần giao, ý dĩ, xương truật, ngưu tất, hoàng bá, mộc qua, hán phòng kỷ,…Cách thực hiện: Người bệnh đem sắc thuốc cùng với nước lọc trong 30 phút đến một tiếng, rót ra bát sứ để nguội bớt. Dùng uống trong ngày, chia làm hai lần.

XEM THÊM:

Mẹo vặt cải thiện đau nhức do thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh

Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị tình trạng thoát vị đĩa đệm, người bệnh có thể áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ thoát vị đĩa đệm tại nhà sau:

  • Xoa bóp với dầu nóng: Sự kết hợp của dầu nóng cùng với xoa bóp có thể khiến cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn nhờ vào việc tăng cường lưu thông máu và thư giãn các cơ đang co thắt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, người bệnh cần chú ý sử dụng lực tay vừa phải, tránh không để cơn đau tồi tệ hơn.
Xoa bóp cùng dầu nóng giúp giảm đau do thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh hiệu quả
Xoa bóp cùng dầu nóng giúp giảm đau do thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh hiệu quả
  • Liệu pháp sử dụng nhiệt (nhiệt trị liệu): Các liệu pháp sử dụng nhiệt độ như chườm nóng hoặc chườm lạnh tuy đơn giản nhưng lại hiệu quả nhanh chóng. Nguyên nhân là do nhiệt độ có thể làm thư giãn vùng cơ bắp đang căng cứng, điều hòa khí huyết và giảm viêm sưng. Người bệnh có thể thực hiện liệu pháp này khi bị các cơn đau tấn công hoặc áp dụng đều đặn vào mỗi buổi sáng.

Chăm sóc người bệnh thoát vị đĩa đệm như thế nào?

Việc chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cũng như hồi phục của người bệnh. Dưới đây là một số điều người bệnh thoát vị đĩa đệm chèn ép dây thần kinh cần lưu ý:

  • Tránh gây áp lực cho cột sống: Việc giảm thiểu áp lực lên vùng cột sống có thể giúp cải thiện triệu chứng bệnh, đồng thời phòng ngừa nguy cơ diễn tiến nghiêm trọng hơn. Người bệnh thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh nên chú ý thận trọng ngay cả trong những hoạt động thường ngày, ví dụ như không đi giày cao gót, không nằm sấp khi ngủ, không ngồi hay đứng quá lâu, không mang vác vật nặng,…
  • Luyện tập các bài tập chuyên biệt: Việc tăng cường luyện tập và vận động cơ thể rất được khuyến khích ở người bị thoát vị chèn ép dây thần kinh. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự luyện tập tại nhà mà nên tham gia các trung tâm vật lý trị liệu để được chuyên gia hướng dẫn chi tiết, tránh tổn thương cho cột sống. Bên cạnh đó, người bệnh có thêm vận động thêm bằng cách đi bộ hoặc bơi lội với cường độ nhẹ nhàng, đây đều là các môn thể thao có lợi cho cột sống và đĩa đệm.
  • Đi thăm khám đúng lịch: Trong quá trình điều trị, người bệnh thoát vị đĩa đệm nên giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ. Không những vậy, bệnh nhân cũng cần đi khám lại đúng theo lịch hẹn để các chuyên gia theo dõi tình hình hồi phục của cơ thể và hạn chế các nguy cơ biến chứng xấu xảy ra. 
  • Chú ý đến chế độ thực phẩm: Có nhiều loại thực phẩm sở hữu nguồn chất chống viêm và oxy hóa tuyệt vời, giúp người bệnh cải thiện tình trạng đau nhức và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích người bệnh nên tăng cường tiêu thụ động vật có vỏ cứng như tôm, cua, ghẹ, các loại cá biển như cá hồi, cá ngừ, cá thu phần, các loại rau xanh đậm như cải xoăn, súp lơ, ớt chuông, cà rốt, các loại đau và ngũ cốc nguyên hạt,…

Hy vọng với những thông tin hữu ích kể trên, bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức mới liên quan đến vấn đề thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh. Để đảm bảo sức khỏe cơ xương khớp, mỗi người chúng ta cần thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng như tăng cường luyện tập thể thao hàng ngày.

ĐỪNG BỎ LỠ:

Cập nhật: 4:49 PM , 30/05/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
Top