Thoát Vị Nội Xốp: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Thoát vị nội xốp là một trong những bệnh lý xương khớp có khả năng gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt đời sống thường ngày của người bệnh. Làm sao để nhận biết các triệu chứng của tình trạng này? Cách điều trị và chăm sóc ra sao? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây, bạn đọc đừng bỏ lỡ.
Thoát vị nội xốp đĩa đệm là gì?
Thoát vị nội xốp đĩa đệm là tình trạng các đĩa đệm nằm giữa các đốt xương cột sống bị rách bao xơ bên ngoài, khiến phần nhân nhầy theo vết rách chảy vào ống sống, đè nén lên mô xốp ở bên trong. Dạng bệnh này được xếp vào nhóm bệnh thoát vị đĩa đệm dạng đặc biệt.
Theo nhiều thống kê y tế, đối tượng chủ yếu của thoát vị nội xốp là người cao tuổi từ 60 trở lên, khi mà cơ thể đã chịu sự bào mòn của lão hóa, các đĩa đệm cũng mất dần đi sự đàn hồi vốn có. Tuy nhiên, lớp người trẻ cũng dễ có nguy cơ mắc bệnh nếu dành quá nhiều thời gian ngồi trong phòng làm việc hoặc không vận động thể chất thường xuyên.
Nguyên nhân của thoát vị nội xốp
Do thoát vị nội xốp vốn là một dạng của thoát vị đĩa đệm nên nguyên nhân gây bệnh cũng có sự tương đồng. Tình trạng này thường là kết quả của sự hao mòn do lão hóa. Khi cơ thể chúng ta già đi, cấu trúc của đĩa đệm không giữ được sự vững chắc và linh hoạt như ban đầu, chúng rất dễ bị rách nếu cột sống phải chịu căng thẳng.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng cho rằng thoát vị nội xốp dễ dàng xảy ra hơn nếu vấn đề cột sống thoái hóa gây ra các nốt schmorl. Nốt schmorl là phần lồi ra của mô mềm đĩa đệm, các cốt này có xu hướng dịch chuyển vào bên trong mô xương của đốt sống gần nhất. Nốt schmorl thường được tìm thấy ở vị trí của các đốt sống vùng ngực hoặc vùng thắt lưng.
Bên cạnh nguyên nhân tuổi tác, các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ thoát vị nội xốp gồm có:
- Cân nặng vượt hạn mức: Những người có trọng lượng cơ thể quá lớn hoặc nghiêm trọng hơn là béo phì có thể khiến cột sống phải chịu nhiều áp lực hơn, các đĩa đệm cũng luôn trong tình trạng căng thẳng.
- Tính chất công việc: Những người làm công việc đòi hỏi về thể chất thường có nguy cơ mắc các bệnh lý cơ xương khớp vùng lưng cao hơn bình thường. Ví dụ như vận động viên, bốc vác, nhân viên văn phòng do phải ngồi quá lâu trong thời gian dài,…
- Chấn thương: Các chấn thương đột ngột có thể khiến cột sống phải chịu sự va chạm gây nên tổn thương bên trong đĩa đệm. Ví dụ như tai nạn xe, thực hiện các động tác nâng, kéo, đẩy, cúi người sai tư thế,…
- Nghiện thuốc lá: Các nhà khoa học nhận thấy rằng những người nghiện thuốc lá thường có hàm lượng oxy trong máu thấp hơn người khỏe mạnh. Hậu quả là những mạch máu nuôi dưỡng đĩa đệm không đủ chất lượng, khiến đĩa đệm nhanh bị hao mòn và xơ rách.
Triệu chứng bệnh thoát vị nội xốp đĩa đệm
Thoát vị nội xốp đĩa đệm có thể gây ra một số các biểu hiện dưới đây:
- Cơn đau cố định tại một vị trí: Khác với thoát vị đĩa đệm thông thường có thể gây đau đớn ở những khu vực mà nhân nhầy chèn ép lên các dây thần kinh, cơn đau của thoát vị dạng nội xốp chỉ cố định tại một vị trí. Các khu vực đau phổ biến nhất là vùng lưng nằm sau lồng ngực và thắt lưng. Khi người bệnh di chuyển, hắt hơi hoặc ho thì cảm giác đau trở nên tồi tệ hơn.
- Sưng tấy hoặc nóng rát: Bệnh lý thoát vị này thường rất dễ gây ra tình trạng viêm nhiễm do phần nhân rò rỉ tấn công vào bên trong ống sống. Do vậy mà người bệnh có thể cảm nhận được tình trạng sưng tấy hoặc nóng rát tại khu vực lưng bị ảnh hưởng.
- Tình trạng mệt mỏi và yếu sức: Vì những cơn đau kéo dài dai dẳng mà chất lượng giấc ngủ của người bệnh bị ảnh hưởng. Không những vậy, người bệnh cũng thường hạn chế vận động khi bị đau. Do đó, tình trạng mệt mỏi, xanh xao, yếu sức ở cơ bắp có thể xảy ra.
Lưu ý: Nếu bệnh ở giai đoạn khởi phát, người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể. Vì vậy, việc thăm khám định kỳ là rất quan trọng, đặc biệt ở những người cao tuổi.
Thoát vị nội xốp có chữa khỏi không? Có nguy hiểm không?
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến bệnh lý như triệu chứng, nguyên nhân,…nhiều người thắc mắc không biết liệu thoát vị nội xốp đĩa đệm có chữa khỏi được không. Như đã trình bày ở trên, đây vốn là kết quả của tình trạng thoái hóa, nghĩa là bệnh nhân không có cách nào chữa dứt điểm hoàn toàn căn bệnh này. Việc điều trị chỉ có thể giúp cải thiện triệu chứng cũng như ngăn ngừa thoát vị tiến triển nặng hơn.
Trong trường hợp người bệnh không được chẩn đoán và chữa trị sớm, tình trạng này có thể gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa (tên khoa học là cauda equina). Hội chứng chùm đuôi ngựa xảy ra khi đĩa đệm thoát vị chèn ép lên tất cả các ống sống, đặc biệt là phần cuối tủy sống nằm ở khu vực gần thắt lưng. Hậu quả là các dây thần kinh tủy sống bị viêm nhiễm, làm tăng nguy cơ bại liệt nếu không được phẫu thuật kịp thời. Hội chứng này được xếp vào tình trạng y tế khẩn cấp.
Chẩn đoán thoát vị nội xốp đĩa đệm
Các bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những triệu chứng thường gặp cũng như tiền sử tổn thương cột sống nếu có. Sau đó, để xác định chắc chắn tình trạng cũng như mức độ nghiêm trọng của thoát vị nội xốp, họ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số các thủ tục y tế dưới đây:
- Chụp X-quang: Các hình ảnh X-quang cột sống có thể giúp loại trừ những nguyên nhân gây đau lưng khác như nhiễm trùng, gãy xương, u bất thường,…Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp các bác sĩ xác định xem liệu có nốt schmorl nào đang hình thành trên đốt xương sống hay không.
- Chụp cắt lớp vi tính CT: Thông qua các tia X từ thiết bị máy quét, máy tính sẽ ghi lại hình ảnh cắt ngang của xương cột sống. Nhờ vào kết quả chụp cắt lớp vi tính CT, tất cả các cấu trúc cũng như tổn thương xung quanh cột sống đều được nhận định chính xác. Các bác sĩ cũng dễ dàng xác định liệu người bệnh bị thoát vị đĩa đệm thông thường hay thoát vị nội xốp và sự tồn tại của nốt schmorl.
- Chụp MRI cộng hưởng từ: Chụp MRI cộng hưởng từ là phương pháp sử dụng các sóng âm vô tuyến cũng như sóng từ trường để tạo ra hình ảnh về cấu trúc của các đốt cột sống. Cũng giống như chụp CT, từ kết quả của MRI, các bác sĩ có thể đánh giá mức độ tổn thương của đĩa đệm, các dây thần kinh bị chèn ép cũng như các nốt schmorl đã ảnh hưởng đến mô xốp bên trong hay chưa.
Điều trị thoát vị nội xốp đĩa đệm
Việc điều trị thoát vị nội xốp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương của cột sống và tuổi tác của người bệnh. Lời khuyên tốt nhất cho bệnh nhân là nên đi khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa ngay khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, đặc biệt là chứng đau lưng kéo dài. Dưới đây là một số các phương pháp điều trị phổ biến nhất:
Các loại thuốc Tây y
Thuốc Tây y thường được ưa chuộng bởi công dụng nhanh chóng và cách sử dụng đơn giản, tối ưu. Tuy nhiên, các loại tân dược này chỉ thích hợp với các trường hợp thoát vị ở mức độ nhẹ và vừa. Danh sách thuốc thường dùng gồm có:
- Thuốc chống viêm không chứa steroids: Các loại thuốc này giúp ức chế hormone gây viêm sưng đồng thời làm giảm nhanh triệu chứng đau nhức khó chịu ở vùng lưng. Người bệnh có thể sử dụng ibuprofen, naproxen, acetaminophen, aspirin,…Tuy nhiên cần chú ý liều lượng với tần suất để tránh gây tổn thương cho dạ dày và thận.
- Thuốc giảm đau tại chỗ: Giống như thuốc chống viêm không chứa steroids, các thuốc giảm đau tại chỗ có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Chúng thường được điều chế dưới nhiều dạng, ví như kem bôi, cao dán, chất lỏng xịt,…Ví dụ: Salonpas, hemp activ, penetrex,…
- Viên uống bổ sung dưỡng chất: Các viên uống bổ sung dưỡng chất giúp người bệnh tăng cường sức khỏe xương cột sống, hỗ trợ giảm đau, sưng tấy cũng như gia tăng sản sinh hoạt dịch cho các cơ khớp. Thành phần của các loại dược phẩm này thường là chiết xuất glucosamine, chondroitin,..từ các loại thảo dược hoặc động vật biển như vi cá mập hay vỏ tôm. Người bệnh có thể tìm mua chúng tại các cửa hàng dược nhập khẩu hoặc cửa hàng online.
THAM KHẢO THÊM:
Điều trị thoát vị nội xốp đĩa đệm với Đông y
Giống như Tây y, Đông y phần lớn có tác dụng hiệu quả với các trường hợp bệnh ở mức nhẹ và vừa. Nguyên lý điều trị của Đông y chủ yếu là khai thông các dòng năng lượng bị tắc nghẽn trong cơ thể cũng như tăng cường tuần hoàn khí huyết. Các bài thuốc Đông y thường dùng nhất gồm có:
- Bài thuốc thân thống trục ứ: Các dược liệu trong bài thuốc này gồm có đào nhân, địa long, tần giao, xuyên khung, tục đoạn, khương hoạt, cam thảo, đương quy, cốt toái bổ,…Người bệnh đem sắc thuốc với nước lạnh, có thể thêm vào tam thất và tô mộc nếu bị chứng phong thấp kèm theo.
- Bài thuốc tả quy hoàn: Bài thuốc này sử dụng các loại dược liệu như: Thục địa, cao quy bản, hoài sơn, đỗ trọng, kỳ tử, tang ký sinh, cao ban long, ngưu tất, thỏ ty tử,…Người bệnh dùng nước lạnh sắc thuốc, chia làm hai lần dùng trong ngày.
Hỗ trợ điều trị bằng các phương pháp tại nhà
Bên cạnh việc sử dụng Đông – Tây y, người bệnh còn có thể áp dụng thêm những biện pháp hỗ trợ điều trị thoát vị nội xốp dưới đây:
- Chườm nóng hoặc lạnh: Sử dụng nhiệt lượng làm giảm đau là một trong những biện pháp đơn giản mà hiệu quả cao. Người bệnh có thể dùng một chiếc khăn cotton đựng đá viên hoặc hơ trên lửa nóng và chườm lên vùng bị ảnh hưởng trong khoảng vài phút mỗi ngày.
- Massage xoa bóp: Biện pháp massage kết hợp xoa bóp có thể giúp cơ thể tăng cường lưu thông máu, thư giãn các cơ đang bị căng cứng và giảm đau rất hiệu quả. Người bệnh có thể kết hợp cùng với các loại tinh dầu như bạc hà, quế, tràm trà,…để gia tăng tác dụng.
- Các loại thảo dược tự nhiên: Các loại thảo dược tự nhiên có hoạt tính chống viêm, chống oxy hóa như ngải cứu, gừng, quế, hoa cúc,..sẽ giúp người bệnh cải thiện tình trạng đau nhức từ bên trong và ngăn ngừa nguy cơ viêm nhiễm. Cách sử dụng chúng khá đa dạng, bệnh nhân có thể pha nước trà hoặc rang khô trên chảo nóng dùng làm thuốc chườm.
Trong các trường hợp thoát vị nghiêm trọng, nghĩa là người bệnh thường cảm thấy đau nhức dữ dội và không thể thực hiện bất kỳ công việc nào thì phương pháp phẫu thuật là lựa chọn hàng đầu. Các bác sĩ sẽ phân tích và trao đổi với bệnh nhân để quyết định phác đồ điều trị hợp lý nhất.
Chăm sóc và phòng ngừa bệnh xương khớp
Người bệnh nên chú ý những vấn đề sau trong quá trình chăm sóc cũng như phòng ngừa tình trạng thoát vị đĩa đệm nội xốp:
- Sử dụng các loại dụng cụ hỗ trợ: Các cơn đau vùng lưng, đặc biệt là thắt lưng có thể khiến người bệnh gặp nhiều hạn chế trong di chuyển và vận động. Trong những trường hợp như vậy, các bác sĩ thường khuyến khích người bệnh sử dụng các dụng cụ hỗ trợ chuyên dụng như ghế chống thoát vị đĩa đệm, máy massage, đai đeo chống đau lưng,…
- Dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn: Việc ngồi quá lâu hoặc vận động quá sức có thể khiến cột sống chịu nhiều áp lực, các cơ luôn căng cứng và tuần hoàn máu suy giảm. Chính vì thế, điều quan trọng nhất là người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi cho cơ thể, thư giãn và thả lỏng tối đa cơ bắp và xương khớp.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Đối với các bệnh nhân cao tuổi, chế độ dinh dưỡng cho người thoát vị đĩa đệm đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện triệu chứng đau nhức cũng như ngăn ngừa thoát vị diễn tiến xấu đi. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người bệnh nên tiêu thụ các thực phẩm giàu canxi và chất chống oxy hóa, ví dụ như động vật giáp xác (tôm, cua, ghẹ,..), các loại đậu, các loại quả mọng (việt quất, dâu tây,..), rau xanh đậm và sữa bò.
- Luyện tập thể dục thể thao: Hạn chế vận động không hề mang lại lợi ích nào cho người bệnh. Không những vậy, điều này còn làm gia tăng nguy cơ khô cứng khớp. Bệnh nhân có thể lựa chọn các loại hình vận động ở cường độ nhẹ và phù hợp với tình trạng đau lưng của bản thân, ví dụ như yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội,…
Bài viết trên hy vọng đã mang lại cho bạn đọc thêm nhiều kiến thức mới liên quan đến bệnh lý thoát vị nội xốp. Sức khỏe của cột sống ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Chính vì vậy, bạn nên dành nhiều sự quan tâm đến cơ thể hơn bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường rèn luyện sức khỏe cũng như dành thời nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng.
XEM NGAY:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!