Đau khớp ngón tay: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị
Đau khớp ngón tay là triệu chứng thông thường người bệnh thường chủ quan bỏ qua. Tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn nếu kéo dài trong một thời gian mà không được điều trị.
Đau khớp ngón tay là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Khớp ngón tay là vị trí tiếp xúc của hai đốt hay xương ngón tay. Cấu tạo bàn tay của người bình thường có 14 khớp ngón tay trên mỗi bàn tay, 2 khớp ở ngón cái và 3 khớp ở mỗi ngón tay còn lại.
Bàn tay và các ngón tay cũng là vị trí có hệ thống dây thần kinh, gân cơ và dây chằng phức tạp, cho phép các khớp ngón tay có thể cử động một cách chuẩn xác. Vậy, đau khớp ngón tay được hiểu là bệnh gì?
Đau khớp ngón tay là hiện tượng xảy ra khi ngón tay bị tổn thương bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện tượng ngày có thể bắt đầu ở từng ngón như đau khớp ngón tay trỏ, đau khớp ngón tay đeo nhẫn, đau khớp ngón tay út, đau khớp ngón tay áp út hay đau khớp ngón tay giữa.
Cơn đau có thể đi kèm với viêm, sưng khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc cử động, cầm nắm,…
Vậy đau khớp ngón tay có nguy hiểm không? Thực chất, nếu tình trạng đau thông thường và không quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể nghỉ ngơi kết hợp ăn uống đủ chất sẽ đỡ.
Thế nhưng khi đau khớp đi kèm với các triệu chứng khác hoặc các cơn đau kéo dài, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị sớm. Theo đó, các biểu hiện nguy hiểm đi kèm mà bệnh nhân cần lưu ý đó là:
- Đau nhức các đốt ngón tay một cách đột ngột, dù nghỉ ngơi cũng không thấy thuyên giảm.
- Tê liệt khớp, không thể vận động và mất khả năng cảm nhận cơn đau, nhiệt độ nóng lạnh.
- Đau hốc mắt hoặc giảm thị lực đột ngột.
- Xuất hiện kèm các vấn đề về hô hấp như thở khò khè, thở gấp và tim đập nhanh, huyết áp tăng.
Nguyên nhân gây đau khớp ngón tay
Theo các chuyên gia, có một số nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này như sau:
- Do thoái hóa: Là tình trạng sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương kèm theo phản ứng viêm và giảm tiết dịch khớp. Lúc này, cấu trúc xương có thể bị thay đổi dẫn đến phản ứng tạo các chất gây đau, sưng và viêm.
- Do viêm đa khớp: Là bệnh viêm khớp ảnh hướng tới nhiều khớp (trên 3 khớp) gây các triệu chứng đau, cứng, sưng đỏ và khó cử động.
- Do thiếu hụt canxi: Thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ sau sinh, phụ nữ bắt đầu tuổi mãn kinh.
- Do hội chứng ống cổ tay: Khi dây chằng dày lên và chèn ép lên dây thần kinh gây tình trạng cổ tay bị thu hẹp. Hội chứng này gây cảm giác đau nhức, tê bì và ngứa ran ở cổ tay, sau đó lan xuống các khớp ngón tay.
- Do chấn thương, tai nạn: Các chấn thương như bong gân nặng, trật khớp, nứt gãy xương, tổn thương khớp ngón tay có thể ảnh hướng tới sụn khớp, làm thay đổi hoạt động của sụn khớp. Do sụn khớp không thể tự phục hồi nên tổn thương càng nặng hơn gây đau.
- Do nhiễm khuẩn: Vi khuẩn, virus có hại trong máu có thể tấn công đến bao hoạt dịch quanh khớp, gây tình trạng viêm đau khớp ngón tay.
- Do lạm dụng hoạt động ngón tay: Các hoạt động như đánh máy vi tính, may quần áo, chơi thể thao,… có thể gây sức ép lên các ngón tay nếu diễn ra hàng ngày với áp lực lớn.
Ngoài ra có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: Bệnh béo phì ở tuổi trên 40, do di truyền, do thay đổi thời tiết, tính chất công việc,…
Triệu chứng kèm theo đau khớp ngón tay
Đau khớp ngón tay có thể là biểu hiện ban đầu của một bệnh lý nguy hiểm nào đó. Triệu chứng đau thường kéo theo hiện tượng viêm khớp ngón tay trỏ, viêm khớp ngón tay út, viêm khớp ngón tay cái hay viêm khớp ngón tay giữa.
Ngoài viêm khớp, bệnh có thể đi kèm một số triệu chứng rõ rệt như:
- Đau khớp dữ dội vào buổi sáng: Do nằm ngủ đè lên tay hoặc những mệt mỏi của nhiều ngày trước làm khớp ngón tay bị đau nhức. Cơn đau có thể giảm thiểu sau khi được nghỉ ngơi.
- Nóng ran và ngứa ngáy các khớp: Đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp vảy nến ở ngón tay.
- Đau cứng, tê bì: Đặc biệt là đau cứng khớp ngón tay vào buổi sáng.
- Ngón tay sưng phù: Xuất hiện tại các khớp hoặc có thể lan ra cả bàn tay, triệu chứng tương tự như bệnh viêm khớp tay.
- Hoạt động cầm nắm khó khăn: Bệnh nhân không thể co duỗi các đốt ngón tay một cách dễ dàng.
- Khớp ngón tay hơi sưng đỏ hoặc hồng nhạt: Là triệu chứng ban đầu của bệnh viêm khớp ngón tay.
Cách chữa đau khớp ngón tay an toàn, hiệu quả
Áp dụng phương pháp điều trị viêm đau khớp ngón tay sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân gây đau cũng như mức độ đau của bệnh nhân. Theo đó, có một số cách điều trị bệnh nhân có thể tham khảo như sau:
Chữa bệnh bằng Tây y
Khi đau khớp đi kèm tình trạng viêm và sưng, bệnh nhân thường được chỉ định sử dụng các loại thuốc Tây y để giảm thiểu cơn đau, trong đó có một số loại thuốc như:
- Thuốc giảm đau không kê theo toa như paracetamol, acetaminophen, ibuprofen,… có tác dụng cải thiện cơn đau viêm khớp ngón tay và giảm viêm nhiễm.
- Thuốc ngăn ngừa viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến như cyclosporine, methotrexate, azathioprine,… có tác dụng kháng viêm và giảm đau khớp hiệu quả.
- Thuốc bôi giảm đau như gel tinh dầu bạc hà, thuốc bôi chống viêm không chứa steroid.
- Thuốc chống viêm khớp ngón tay DMARD với tác dụng giảm viêm, đau và sưng các khớp.
- Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định bổ sung các dưỡng chất tốt cho xương khớp như glucosamine dạng uống, thực phẩm chức năng, vitamin D, vitamin K,…
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chữa bệnh xương khớp.
Điều trị bằng phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật được chỉ định khi đau khớp xuất phát do viêm thoái hóa khớp ngón tay ở mức độ nặng. Một số phương pháp phẫu thuật đối với bệnh nhân đó là:
- Hàn xương làm cứng khớp: Giúp đưa các xương tạo thành khớp phát triển về phía gần nhau hoặc kết hợp với nhau tạo thành khối xương đặc.
- Thay khớp ngón tay: Dùng các khớp nhân tạo bằng kim loại hoặc nhựa thay cho khớp bị viêm.
- Cố định khớp: Bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp giảm đau không can thiệp phẫu thuật như băng thun, nẹp ngón tay, bó bột,… để cố định phần khớp ngón tay bị tổn thương.
Chữa bằng Đông y
Nếu đau khớp ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể tham khảo các bài thuốc Đông y với sự kết hợp của các vị thảo dược. Mục đích điều trị của các bài thuốc Đông y đó là tập trung thúc đẩy lưu thông khí huyết, tiêu sưng, giảm đau và phòng ngừa bệnh tái phát.
Bài thuốc số 1
- Tác dụng: Giảm chứng đau mỏi khớp ngón tay, thích hợp cho người trung tuổi và cao tuổi.
- Các vị thuốc: Thổ phục linh 10g kết hợp cùng ngưu tất và đỗ trọng bắc mỗi loại 8g. Cho thêm quế chi và ngũ gia bì mỗi loại 6g cùng tần giao 16g.
- Cách dùng: Đem rửa sạch các vị thuốc rồi cho vào nồi sắc với nước, dùng thuốc để uống hàng ngày. Thuốc uống sau bữa ăn, chia làm 2 lần, dùng mỗi ngày 1 thang thuốc.
Bài thuốc số 2
- Tác dụng: Khứ phong, khu thấp, chỉ thống, thông dương, hành tý và hòa doanh.
- Các vị thuốc: Bạch truật, phòng phong và tri mẫu mỗi loại 16g. Kết hợp cùng cam thảo, ma hoàng mỗi loại 8g. Thêm 20g sinh khương và 12g thược dược cùng 2 củ phụ tử.
- Cách dùng: Sắc thang thuốc với nước rồi chia thuốc làm 3 bát, uống hết trong ngày sau bữa ăn. Mỗi ngày dùng một thang và dùng đều đặn trong 30 ngày sẽ thấy cơn đau khớp thuyên giảm.
Bài thuốc số 3
- Tác dụng: Khu phong trừ thấp, thanh nhiệt, thông lạc, tiêu sưng.
- Các vị thuốc: Quế chi 6g, bạch thược 15g, tri mẫu 10g, tang chi và nhẫn đồng đằng mỗi loại 20g, phòng phong 9g, hải đồng bì 12g. Thêm sinh địa và xích thược mỗi loại 15g, huyền sâm 10g.
- Cách dùng: Sắc thuốc với nước, đun trên lửa nhỏ đến khi thu được khoảng 350ml thuốc thì tắt bếp. Chia thuốc làm 3 bát uống hết trong ngày sau bữa ăn. Mỗi ngày uống 1 thang, sau 10 thang thì đi kiểm tra lại tình trạng bệnh.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Chữa bằng mẹo dân gian
Ngoài các cách chữa trên, bệnh nhân bị đau ở mức độ nhẹ có thể tham khảo một số mẹo dân gian giúp giảm triệu chứng đau như sau:
- Dây đau xương: Cành và dây đau xương đem sao vàng rồi ngâm cùng 1 lít rượu trong 30 ngày. Sau đó dùng 25ml mỗi ngày để uống, kiên trì trong 10 – 15 ngày.
- Cây huyết đằng: Thêm thổ phục linh, ngưu tất, sinh địa, nam độc cực, cà gai leo, hy thiêm và huyết đằng. Cho tất cả các vị thuốc vào sắc cùng 400ml nước. Sắc cạn còn một nửa thì tắt bếp, dùng thuốc chia đều ra uống hết trong ngày.
- Củ tam thất: Tam thất thái lát mỏng, ngâm với mật ong trong 1 tháng. Sau đó dùng hỗn hợp này ra với nước ấm để uống đều đặn 2 lần mỗi ngày.
- Cây chìa vôi: Kết hợp cùng cỏ xước, dền gai, cây xấu hổ, chùm gửi, lá lốt đem phơi khô. Sắc tất cả nguyên liệu trên với 6 bát nước, thu về còn 3 bát nước chia đều uống 3 lần/ngày, dùng sau bữa ăn 1 tiếng.
Lời khuyên dành cho người đau khớp ngón tay
Khi bị đau khớp, dù ở mức độ nhẹ hay nặng thì bệnh nhân cần lưu ý các vấn đề sau để kiểm soát cơn đau tốt hơn, cụ thể:
- Bỏ các thói quen xấu tác động lên khớp tay như bẻ khớp ngón tay, rút khớp,… là những động tác khiến quá trình thoái hóa diễn ra sớm hơn.
- Hạn chế các hoạt động mạnh có thể gây đau khớp cổ tay, ảnh hưởng đến khớp ngón tay như mang vác nặng, làm việc quá sức, chơi thể thao, chơi game và đánh máy vi tính,…
- Vận động khớp ngón tay nhẹ nhàng để các khớp quen với việc vận động và trở nên linh hoạt hơn.
- Mang bao tay và dụng cụ bảo vệ bàn tay khi làm việc.
- Dành thời gian cho bàn tay được nghỉ ngơi, không nên để bàn tay hoạt động với cường độ cao, gây áp lực lên các khớp ngón tay.
- Ngâm bàn tay với nước ấm và muối hạt hoặc tinh dầu trước khi đi ngủ. Việc làm này có tác dụng làm ấm khớp, giãn gân cốt, kích thích thông máu các khớp.
Tóm lại, đau khớp ngón tay tuy không phải là triệu chứng nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và vận động của bệnh nhân. Vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường ở khớp ngón tay, bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp chẩn đoán, điều trị để giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm do đau khớp ngón tay gây nên.
ĐỪNG BỎ LỠ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!