Loãng Xương Ở Người Cao Tuổi Và Những Thông Tin Cần Biết
Loãng xương ở người cao tuổi hiện nay đang ngày càng phổ biến, hầu như ai cũng mắc phải với mức độ nặng hoặc nhẹ khác nhau. Có rất nhiều nguyên nhân khiến người cao tuổi mắc bệnh loãng xương. Vậy dấu hiệu nhận biết và điều trị như thế nào là hiệu quả?
Tại sao người cao tuổi dễ bị loãng xương?
Loãng xương (Osteoporosis) là một bệnh lý về xương xuất hiện ở hầu hết đối tượng đặc biệt là người cao tuổi. Loãng xương xảy ra khi các kết cầu trong xương xuất hiện tình trạng giảm số lượng và trọng lượng tế bào xương, mất cân bằng trong quá trình sinh xương và hủy xương dẫn đến sự suy giảm lượng canxi, protein có trong xương.
Phụ nữ châu Á độ tuổi từ 45 – 50 là đối tượng dễ mắc loãng xương nhất. Đối với đàn ông căn bệnh này xuất hiện từ trên 55 tuổi nhưng một khi mắc bệnh sẽ rất nguy hiểm và đáng quan tâm hơn.
Một số nguyên nhân gây bệnh loãng xương ở người cao tuổi:
- Quá trình lão hóa: Theo thời gian, các khớp xương trở nên yếu dần, xương trở nên mỏng hơn và dễ gãy. Các tế bào sinh xương dần bị thay thế bởi các tế bào hủy xương, suy giảm hàm lượng canxi trong xương. Ngoài ra, đối với phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh mất đi các nội tiết tố nữ khiến các chức năng điều hòa hấp thụ canxi trong xương bị suy giảm, làm giảm mật độ xương.
- Ít đi lại, vận động: Do độ tuổi này thường bị hạn chế đi lại, không vận động khiến cho các cơ xương khớp và cơ bắp dần yếu đi. Ít vận động không chỉ làm tăng nguy cơ loãng xương mà còn làm cho tiến trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn.
- Không thường xuyên tiếp xúc ánh nắng mặt trời: Nhiều người cao tuổi nghĩ rằng việc tắm nắng chỉ dành cho người trẻ em, tuy nhiên với người cao tuổi dạng vitamin D tự nhiên này cũng rất cần thiết, làm quá trình hấp thu canxi kém đi, tăng bài tiết canxi ra ngoài.
- Ăn uống không đủ chất: Tuổi cao khiến cho việc hấp thụ dinh dưỡng trở nên kém đi. Nếu trong các bữa ăn hàng ngày không được bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều canxi, kali, magie rất dễ làm tăng nguy cơ loãng xương.
- Mắc các bệnh lý nền và lạm dụng sử dụng thuốc có chứa steroid: Người mắc các bệnh lý nền như thận, bệnh nội tiết hoặc sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau kéo dài ảnh hưởng đến các tế bào xương
- Do di truyền hoặc lúc nhỏ hay bị thiếu canxi
Dấu hiệu nhận biết bệnh loãng xương ở người cao tuổi
Giống như bệnh loãng xương ở người trẻ, ở người cao tuổi rất khó nhận biết vì các triệu chứng thể hiện ra làm người bệnh nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Điều này khiến cho việc phát hiện và điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nếu có một trong những triệu chứng dưới đây, người bệnh nên cẩn trọng:
- Đau cột sống: Bệnh loãng xương gây ra những cơn đau thắt ngang cột sống, lan sang một bên hay thậm chí cả hai bên mạn sườn. Bên cạnh đó, nó còn kèm theo các triệu chứng khác gây khó khăn cho người bệnh như co cứng các cơ cột sống gây đau, mỗi khi thay đổi tư thế có hiện tượng giật cơ.
- Đau nhức xương: Triệu chứng này được biểu hiện thông qua các cơn đau lưng, đau tay, đau chân, đau các khớp, mỏi bại hông, đặc biệt là các khớp cổ tay, cánh tay, xương đùi, cẳng chân, đốt sống thắt lưng. Người bệnh thường có những cơn đau nhức về đêm.
- Gù lưng, vẹo cột sống làm giảm chiều cao đột ngột: Trong trường hợp loãng xương nặng có thể làm cho người bệnh bị giảm chiều cao, gù lưng, biến dạng cột sống ảnh hưởng đến chức năng tim, phổi.
- Triệu chứng bên ngoài: ngoài ra người bệnh loãng xương thường hay bị chuột rút, bất ngờ đổ mồ hôi hoặc thỉnh thoảng có cảm giác ớn lạnh trong người.
Biến chứng nguy hiểm của loãng xương ở người cao tuổi
Bệnh loãng xương ở người cao tuổi nếu không kịp thời điều trị có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm như sau:
- Gãy xương: Loãng xương là việc mất đi lượng lớn các tế bào xương khiến xương trở nên giòn, xốp và dễ gãy ngay cả khi không vận động, thậm chí một va chạm nhẹ cũng khiến người bệnh bị gãy xương.
- Mất ngủ trầm cảm: Do những cơn đau nhức chủ yếu diễn ra về đêm nên giấc ngủ với người cao tuổi thường không ngon giấc, hay bị thức bất chợt. Điều này làm ảnh hưởng tới sức khỏe và gây mệt mỏi và dễ trầm cảm.
- Biến dạng cột sống: Loãng xương khiến cho các đốt sống bị thoái hóa làm gù, vẹo cột sống,
- Tàn phế: Do xương của người cao tuổi bị thoái hóa làm cho các khớp xương giòn hơn, gãy xương do va chạm nhẹ hoặc dễ gãy khiến nguy cơ tàn phế cao hơn nếu không được kịp thời điều trị.
- Tử vong: Bệnh loãng xương đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi, làm mất khả năng vận động, hàng năng có khoảng 30 – 50% trường hợp bệnh nhân loãng xương tử vong sau các va chạm gãy xương đùi.
ĐỌC NGAY: Điều trị loãng xương như thế nào? – Phác đồ điều trị hiệu quả
Làm thế nào để điều trị loãng xương an toàn hiệu quả?
Loãng xương ở người cao tuổi là căn bệnh phổ biến và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Do đó việc đo loãng xương cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Dưới đây là 4 phương pháp điều trị loãng xương ở người cao tuổi phổ biến hiện nay:
Điều trị loãng xương dùng thuốc Tây y
Đối với người cao tuổi do sức khỏe dần suy giảm nên cần hạn chế sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, chủ yếu là sử dụng thuốc giảm đau và thuốc làm tăng mật độ xương:
Thuốc giảm đau:
Chỉ sử dụng với những trường hợp đặc biệt, tùy vào thể trạng và mức độ đau bác sĩ sẽ kê cho người bệnh loại thuốc phù hợp. Paracetamol và Calcitonin là hai loại thuốc giảm đau thường được bác sĩ sử dụng nhằm ức chế hoạt động các tế bào tủy xương và có tác dụng giảm đau do hiện tượng loãng xương.
Hạn chế sử dụng thuốc kháng viêm chứa thành phần Corticosteroids.
Thuốc làm tăng mật độ xương:
Nhóm thuốc bisphosphonate là nhóm phổ biến có tác dụng làm tăng mật độ xương. Có hai dạng bào chế người bệnh có thể lựa chọn điều trị là truyền tĩnh mạch hoặc sử dụng viên uống.
Thuốc Fosamax là thuốc có tác dụng tốt nhất trong nhóm này, phù hợp với nhiều độ tuổi khác nhau:
- Fosamax viên uống 70mg, uống 1 viên/tuần
- Fosamax truyền tĩnh mạch 100ml truyền 1 lọ/năm
Cơ chế hoạt động: ức chế tủy xương làm quá trình tạo xương trở nên bình thường từ đó làm tăng mật độ xương.
Lưu ý: Khi điều trị loãng xương ở người già mà sử dụng nhóm thuốc này sẽ có một số tác dụng phụ xảy ra khiến người bệnh mệt mỏi, đau đầu, loét dạ dày,… Đối tượng người cao tuổi thường khó khăn trong việc tăng mật độ xương dẫn đến quá trình điều trị thường kéo dài lâu hơn.
Điều trị loãng xương sử dụng thuốc Đông y
Dưới đây là một số bài thuốc loãng xương sử dụng thuốc Đông y người bệnh có thể tham khảo:
Thể khí trệ huyết ứ
Triệu chứng: Cơ thể người bệnh đau nhức ở một điểm hoặc nhiều vị trí khác nhau, da bắt đầu có hiện tượng sạm đen, mặt có các nếp nhăn hoặc mụn cơm chứa các tia máu ứ, môi đỏ, lưỡi đỏ có vết ứ máu, mạch Huyền Sáp.
Bài thuốc:
- Đào nhân, Quy đầu, Cốt toái bổ,Quy bản, Hồng hoa, Ngưu tất, Cam thảo, Tục đoạn, Xuyên khung, Ngũ linh chi, Mộc dược: mỗi vị 9 gram
- Địa linh: 6 gram
- Khương hoạt, Hương phụ, Tần giao: mỗi vị 3 gram
Cách thực hiện: Tiến hành sắc thuốc hàng ngày, lấy 1 lít nước đem sắc đến khi trong nồi còn ⅔ lượng nước là có thể dùng được.
Thể âm dương câu hư
Triệu chứng: Tinh thần người bệnh mệt mỏi, uể oải, không có sức lực. Cơ thể nóng bừng, nửa phần cơ thể bên dưới cảm giác lạnh đặc biệt là phần chân. Đau nhức ở vùng lưng và thắt lưng nhất là khi về đêm. Chóng mặt, ù tai, ăn ít, phân lỏng, thường xuyên đi tiểu đêm, suy giảm sinh lý, lưỡi bệu, đỏ, rêu lưỡi nhạt, mạch thốn Hư, mạch bộ quan bên trái Huyền bộ xích Trầm hoặc Tế Phù, bên phải Nhu.
Bài thuốc:
- Thục địa, Sinh địa: mỗi vị 15 gram
- Cốt toái bổ, Ngưu tất: mỗi vị 12 gram
- Hoàng bá, Tri mẫu, Quy đầu, Đỗ trọng, Bạch thược, Phục linh: mỗi vị 9 gram
- Nhân sâm, Tiểu hồi, Trích thảo, Trần bì: mỗi vị 6 gram
Cách thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu sắc cùng 3 bát nước, sắc đến khi lượng nước còn ⅔ là có thể dùng được.
Thể tỳ thận dương hư
Triệu chứng: Lưng và thắt lưng của người bệnh đau nhức, cảm giác mệt mỏi, uể oải không muốn làm việc. Chân tay lạnh, phân lỏng, xanh xao, sức ăn kém đi, lưỡi có biểu hiện lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Trì, Nhược.
Bài thuốc:
- Thục địa: 30 gram
- Kỉ tử: 15 gram
- Hoài sơn, Sơn thù: mỗi vị 12 gram
- Đỗ trọng, Cốt toái bổ, Phụ tử, Bạch truật: mỗi vị 9 gram
- Nhân sâm, Trích thảo, Nhục quế: mỗi vị 6 gram
Cách thực hiện: Đem sắc cùng 3 bát nước cho đến khi lượng nước sắc còn ⅔ người bệnh có thể sử dụng được. Chia nhỏ thuốc thành 3 phần uống sáng, trưa, tối.
Thể can thận âm hư
Triệu chứng: Lưng và toàn bộ thắt lưng người bệnh cảm thấy đau nhức, mỏi gối, ù tai, chóng mặt, chân đau đặc biệt là về đêm. Thường xuyên mất ngủ, mặt trắng bệch, người xanh xao, về chiều luôn thấy nóng trong người. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng, mạch Tế, Huyền Sác.
Bài thuốc: Trong bài thuốc điều trị loãng xương thể này cần có đủ các nguyên liệu bao gồm:
- Hắc táo nhân: 16 gram
- Trạch tả, Thục địa, Quy bản, Sơn thù, Đương quy, Khởi tử, Cam thảo: mỗi vị 12 gram
- Hoài sơn, Đan bì, Bạch linh, Đỗ trọng, Đại táo, Viễn chí: mỗi vị 10 gram
Cách thực hiện: Hằng ngày sắc thuốc cùng 3 bát nước đến khi lượng nước còn khoảng ⅔ nồi có thể đem đi dùng được. Để thuốc có công dụng, người bệnh nên kiên trì uống trong một thời gian dài trong khoảng 1 tháng.
Điều trị không dùng thuốc
Bổ sung các vitamin D từ tự nhiên: Cách tốt nhất để bổ sung vitamin D cho cơ thể thông qua việc tắm nắng vào buổi sáng. Người cao tuổi nên dành từ 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày vào buổi sáng để tắm nắng. Các vitamin D hấp thụ qua da sau đó chuyển hóa khi vào trong cơ thể làm cho xương chắc khỏe hơn. Thời gian tắm nắng thích hợp từ 6 – 8 giờ sáng khi mặt trời mới mọc, chưa có các tia cực tím.
Sử dụng thực phẩm giàu canxi và các chất dinh dưỡng khác: Người loãng xương cần có chế độ ăn lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng. Một số thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, rau xanh đậm, sữa, phomai,… Ngoài ra, trứng và cá hồi là hai loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D cần thiết cho cơ thể rất tốt trong điều trị loãng xương ở người cao tuổi.
Vận động: Vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập thể dục thể thao phù hợp với người cao tuổi, tập dưỡng sinh hoặc đi bộ nhẹ nhàng. Nên vận động từ 30 – 45 phút.
Trị liệu thần kinh cột sống
Trị liệu thần kinh cột sống dựa trên mối quan hệ giữa sức khỏe bệnh nhân và mối liên quan giữa cấu trúc cơ thể con người. Bao gồm các hệ cơ, hệ xương, hệ thần kinh bệnh nhân.
Nguyên lý hoạt động của phương pháp này dựa vào các chức năng của cơ thể con người bị điều khiển bởi hệ thần kinh.
Theo cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia (National Health Interview Survey) thực hiện vào năm 2007 tại Mỹ đã chỉ ra rằng đây là phương pháp chữa trị xương khớp, loãng xương phổ biến nhất hiện nay. Trong 18 triệu người trưởng thành đang điều trị vấn đề về xương khớp, đã có đến 4 triệu người lựa chọn điều trị bằng phương pháp này và 66% người bệnh cảm thấy được hiệu quả rõ rệt mà phương pháp này mang lại.
Đây là phương pháp chữa tận gốc các cơn đau mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật.
Các bác sĩ trước khi điều trị bằng phương pháp này sẽ tiến hành xét nghiệm sàng lọc, và xem hồ sơ bệnh án của bệnh nhân để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
Tùy vào từng nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà các bác sĩ sẽ có hướng điều trị kết hợp với phương pháp khác hay không. Ví dụ như kết hợp với vật lý trị liệu, châm cứu,…
Phương pháp trị liệu thần kinh cột sống giúp người cao tuổi bị loãng xương hồi phục khả năng đi lại, giảm nguy cơ chấn thương, ngã và gãy xương. Người bệnh sử dụng phương pháp trị liệu thần kinh cột sống sẽ đạt hiệu quả hồi phục tốt hơn là những người không sử dụng phương pháp này.
Ngoài bệnh loãng xương, phương pháp này áp dụng hiệu quả với các chứng bệnh khác như: thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, viêm khớp,…
Cách phòng bệnh loãng xương ở người cao tuổi
Bệnh loãng xương người cao tuổi rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Với người già, bệnh loãng xương dường như không thể không tránh khỏi. Do đó cách tốt nhất là thực hiện các phương pháp phòng bệnh ngay từ sớm:
- Thường xuyên tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ, thời gian trung bình là 6 tháng/lần.
- Với những người cao tuổi chưa có triệu chứng bệnh loãng xương cũng cần liên tục thăm khám để bác sĩ có thể đo loãng xương và khám tổng quan, phòng tránh bệnh
- Vận động tập luyện thể dục thể thao rất có ích nhưng không phải bộ môn nào cũng có tác dụng. Đi bộ, chạy bộ, yoga, bài tập tay không nhẹ nhàng rất thích hợp để điều trị, làm cơ xương khớp khỏe mạnh hơn.
- Ăn uống đủ chất, cung cấp đầy đủ các vitamin, protein, canxi từ tự nhiên. Ăn nhiều rau xanh và hạn chế sử dụng các đồ uống có hại.
- Với phụ nữ nên bổ sung các nội tiết tố estrogen sau mãn kinh để tránh nguy cơ mắc loãng xương khi về già. Sử dụng theo chỉ định của bác sĩ
Điều trị loãng xương ở người cao tuổi đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí hơn so với các độ tuổi khác. Tuy nhiên không phải cứ điều trị là bệnh sẽ thuyên giảm. Do đó ngay từ khi còn trẻ, mọi người cần chú ý đến sức khỏe, tối ưu hóa khối lượng đỉnh của xương, duy trì mật độ xương để cơ thể luôn được khỏe mạnh.
Hy vọng những thông tin trên có thể giúp người cao tuổi mắc bệnh loãng xương, người trung tuổi và người trẻ có được những thông tin hữu ích để lựa chọn phương pháp điều trị cho mình.
ĐỪNG BỎ LỠ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!