Xẹp Đĩa Đệm Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng & Cách Điều Trị

4.9/5 - (7 bình chọn)

Xẹp đĩa đệm là một trong những tổn thương liên quan đến cột sống khá phổ biến ở những người cao tuổi. Tình trạng nếu không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như khả năng vận động của người bệnh. Bạn liệu đã nắm rõ về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị bệnh hay chưa?

Xẹp đĩa đệm là gì? Nguyên nhân gây bệnh

Xẹp đĩa đệm là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng đĩa đệm bị mất đi sự toàn vẹn về cấu trúc. Không giống như đốt xương với kết cấu vững chắc, đĩa đệm là các mô mềm bao gồm phần nhân và phần bao xơ bảo vệ bên ngoài, đảm nhận nhiệm vụ giảm xóc cho cột sống.

Khi cơ thể bị lão hóa theo thời gian, phần nhân của đĩa đệm trở nên xơ cứng hơn do mất nước và trở nên xẹp hơn so với hình dạng ban đầu.

Bệnh lý này thường xảy ra ở các đối tượng lớn tuổi nhưng thế hệ trẻ cũng có nguy cơ cao nếu là người từng có tiền sử bị chấn thương cột sống. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, đĩa đệm bị xẹp có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vận động của người bệnh.

Tình trạng xẹp đĩa đệm có thể do các nguyên nhân sau gây ra:

  • Lão hóa: Quá trình lão hóa là nguyên nhân của hầu hết các vấn đề liên quan đến thoái hóa cột sống và đĩa đệm bị xẹp cũng nằm trong số đó. Theo thời gian, các đĩa đệm dần mất đi hàm lượng chất lỏng vốn có, khiến nó trở nên giòn, kém linh hoạt và dễ bị tổn thương hơn. Lúc này, sự hao mòn từ các hoạt động hàng ngày sẽ khiến đĩa đệm bị phồng, rách bao cơ xơ hoặc xẹp.
Lão hóa là nguyên nhân phổ biến nhất của xẹp đĩa đệm
Lão hóa là nguyên nhân phổ biến nhất của xẹp đĩa đệm
  • Trọng lượng cơ thể: Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng xẹp đĩa đệm là trọng lượng cơ thể quá lớn. Cột sống của mỗi chúng ta có nhiệm vụ nâng đỡ phần thân trên, bao gồm các khối thịt, cơ bắp và mỡ. Nếu cân nặng vượt mức cho phép, nó sẽ làm tăng tải trọng trực tiếp đè nén lên cột sống. Bình thường, đĩa đệm đã bị bào mòn theo thời gian, lại chịu thêm áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể, hậu quả là các đĩa đệm dễ bị xẹp và mất đi hình dạng ban đầu.
  • Vận động quá sức: Giống như cân nặng, việc vận động quá sức cũng là một trong các yếu tố chủ quan có thể gây ra tình trạng đĩa đệm bị xẹp. Một số ví dụ có thể kể đến như hoạt động thể thao (nâng tạ, đu xà,…), mang vác vật nặng,..Tất cả những hoạt động quá sức này có thể khiến cột sống phải chịu những tác động mạnh từ ngoại lực, tăng tải trọng đặt lên đĩa đệm. Về lâu dài, đĩa đệm sẽ bị mất đi cấu trúc nguyên vẹn như ban đầu.
  • Các yếu tố rủi ro khác: Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến được liệt kê phía trên, đĩa đệm bị xẹp cũng có thể do một số các yếu tố khác dẫn đến như đặc thù công việc (văn phòng, lao động chân tay, vận động viên,..), chấn thương (tai nạn xe cộ, tai nạn lao động), lối sống kém lành mạnh (hút thuốc, sử dụng rượu bia, thức khuya, ngồi nhiều, vận động ít,..).

Triệu chứng điển hình cần nhận biết

Tùy vào vị trí tổn thương cũng như mức độ nghiêm trọng mà dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài có thể sẽ có sự khác biệt. Người bệnh khi mắc phải chứng đĩa đệm xẹp thường gặp phải một số các triệu chứng dưới đây:

Với người bị xẹp đĩa đệm lưng

Khi đĩa đệm mất đi cấu trúc vốn có, khoảng cách giữa các đốt xương sống cũng dần thu hẹp lại, dẫn đến việc đè nén lên các dây thần kinh xung quanh. Nhìn chung, dấu hiệu của tình trạng này có nhiều điểm tương đồng với thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng. Vì vậy, người bệnh bị đĩa đệm xẹp vùng lưng có thể cảm nhận được một số triệu chứng như:

  • Đau nhức thắt lưng, cơn đau có thể lan rộng xuống vùng hông và mông. Cảm giác đau thường trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh cúi người, ngồi hoặc đứng quá lâu.
  • Tê buốt, ngứa ran hoặc yếu sức phần chi dưới, hạn chế trong di chuyển. Nếu đĩa đệm xẹp ảnh hưởng đến tủy sống, vùng yên ngựa của người bệnh (bẹn, đùi trong, mông) cũng có thể cảm thấy tê ngứa khó chịu.
  • Thay đổi chiều cao, tuy nhiên biểu hiện thường khó nhận thấy bằng mắt thường nếu số lượng đĩa đệm bị xẹp không nhiều. 

Với người bị xẹp vùng đĩa đệm cổ

Những người bị đĩa đệm xẹp ở vùng cổ thường cảm thấy:

  • Đau nhức, cứng cơ ở các khu vực như vai – gáy hoặc vùng lưng sau ngực. 
Người bệnh thường cảm thấy đau nhức cổ, vai, gáy
Người bệnh thường cảm thấy đau nhức cổ, vai, gáy
  • Nếu các rễ dây thần kinh bị đè nén, bệnh nhân cũng có thể bị tê ngứa, nóng rát hoặc lâm râm như kiến bò tại cánh tay, bàn tay và ngón tay. Các triệu chứng này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh cúi đầu, xoay cổ hoặc cầm nắm các vật nặng.

Chẩn đoán tính trạng đĩa đệm xẹp như thế nào?

Trước khi bắt đầu thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ thường hỏi người bệnh một số các vấn đề liên quan đến triệu chứng thường gặp như mức độ đau nhức, thời điểm cũng như tiền sử bệnh lý về cơ xương khớp nếu có.

Sau đó, để chắc chắn hơn về nhận định cũng như hoàn thành thông tin xây dựng phác đồ điều trị, họ sẽ yêu cầu bệnh nhân xẹp đĩa đệm thực hiện các kiểm tra như sau:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang là một kỹ thuật chẩn đoán được sử dụng khá phổ biến trong các bệnh về cột sống. Tuy rằng hình ảnh thu được từ phim chụp X-quang không thể giúp nhận định chính xác mức độ tổn thương của đĩa đệm nhưng nó có thể dùng để loại trừ các vấn đề khác như nhiễm trùng, u xương, gãy xương hoặc dị tật bẩm sinh.
  • Phương pháp myelogram – chụp tủy đồ: Chụp tủy đồ là một kỹ thuật xâm lấn sử dụng các tia X và một loại thuốc nhuộm đặc biệt để kiểm tra ống sống. Kết quả thu được cho thấy tình trạng của tủy sống cũng như các dây thần kinh xung quanh, giúp các chuyên gia xác định mức độ nghiêm trọng của xẹp đĩa đệm.
  • Chụp CT hoặc MRI: Cả hai phương pháp chụp cắt lớp CT và cộng hưởng từ MRI đều giúp các bác sĩ kiểm tra chính xác tình trạng và mức độ nghiêm trọng của đĩa đệm xẹp. Kết quả hình ảnh của các kỹ thuật chẩn đoán này cũng được dùng để loại trừ nguy cơ mắc hội chứng đuôi ngựa, rách hay xuất hiện dấu hiệu thoát vị đĩa đệm
  • Điện cơ đồ: Trong các trường hợp người bệnh có đĩa đệm bị xẹp cần thực hiện phẫu thuật, điện cơ đồ là một trong các xét nghiệm chuyên sâu cung cấp cho bác sĩ thông tin về hệ thống dây thần kinh cũng như tổn thương mà chúng phải chịu.

Cách chữa bệnh hiệu quả và an toàn

Tùy vào việc chẩn đoán nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng của bệnh mà các bác sĩ sẽ xây dựng các phương án điều trị khác nhau. Dưới đây là một số biện pháp chữa trị bệnh lý xẹp đĩa đệm mà bài viết tổng hợp:

Điều trị đĩa đệm xẹp với Tây y

Tây y thường là sự kết hợp của thuốc men, vật lý trị liệu và phẫu thuật (trong những trường hợp cần thiết):

  • Sử dụng thuốc chống viêm NSAIDs: Các thuốc chống viêm không kê đơn được sử dụng phổ biến để đối phó với các cơn đau nhức khó chịu ở người bệnh. Không những vậy, các loại thuốc này cũng có khả năng cải thiện tình trạng tê ngứa, yếu cơ. Tuy nhiên, chúng không được khuyến khích với người có tiền sử bệnh tim mạch, bệnh thận và dạ dày. Ví dụ: ibuprofen, aspirin, acetaminophen, naproxen,…
Các thuốc chống viêm NSAIDs có thể giúp người bệnh giảm đau
Các thuốc chống viêm NSAIDs có thể giúp người bệnh giảm đau
  • Thuốc giảm đau gây nghiện: Trong trường hợp các thuốc chống viêm NSAIDs không có hiệu quả, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau gây nghiện như codeine hay oxycodone-acetaminophen kết hợp. Tuy rằng tác động của thuốc này mạnh hơn nhưng thời gian sử dụng cần được người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt vì chúng dễ gây nghiện. 

THAM KHẢO NGAY:

  • Vật lý trị liệu: Mục đích của vật lý trị liệu là giảm bớt các tình trạng đau nhức và căng cứng các cơ tại khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp cột sống linh hoạt hơn. Người bệnh không nên tự ý thực hiện tại nhà mà cần được luyện tập dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tại các trung tâm y tế chuyên nghiệp.
  • Phẫu thuật: Nếu đĩa đệm bị xẹp mất khả năng hồi phục và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như đè nén dây thần kinh tủy sống thì phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất. Tùy vào vị trí cũng như mức độ nghiêm trọng mà các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp phẫu thuật được áp dụng. Thông thường, giai đoạn nặng mới được chỉ định điều trị với phương pháp này, cụ thể là phẫu thuật chữa thoát vị đĩa đệm với phương pháp phẫu thuật cột sống mở, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu,…

Đông y hỗ trợ cải thiện xẹp đĩa đệm

Đông y cũng giống như Tây y, hoàn toàn không có khả năng điều trị dứt điểm tình trạng đĩa đệm bị xẹp. Thay vào đó, việc sử dụng bài thuốc từ thảo dược có thể giúp cải thiện một số triệu chứng đau nhức kéo dài lâu ngày.

  • Bài thuốc mạnh gân cốt: Với bài thuốc này, người bệnh cần chuẩn bị các vị thuốc sau tục đoạn, thục địa, quy đầu, ngưu tất, đỗ trọng, ngũ gia bì, thanh bì, bạch linh, sơn thù, bạch thược. Dược liệu đem sao khô, sắc kỹ trong nồi đất khoảng 15 phút. Thuốc nên được dùng khi còn nóng và sau bữa trưa, tối hàng ngày.
  • Bài thuốc hoạt lạc, thông kinh vùng cổ gáy: Người bệnh cần chuẩn bị các vị thuốc sau quy đầu, bạch thược, tỏa dương, tri mẫu, kê huyết đằng, đan sâm, thục địa, thỏ ty thử, ngưu tất, quy bản và hoàng bá. Người bệnh đem sắc thuốc trong khoảng thời gian từ 10 – 15 phút, sau đó chắt thuốc ra bát cho nguội bớt. Thuốc có hiệu quả tốt khi dùng nóng, chia 2 lần sáng và tối mỗi ngày.

Các biện pháp cải thiện triệu chứng tại nhà

Nếu tình trạng đau nhức, tê ngứa kéo dài dai dẳng gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo vặt tại nhà dưới đây:

  • Trị liệu bằng nhiệt: Trị liệu bằng nhiệt lạnh hoặc nóng là một trong những biện pháp bảo tồn đơn giản, không gây kích ứng và dễ thực hiện. Nhờ vào hơi nóng (lạnh) mà các cơ bắp đang co thắt khó chịu sẽ được thư giãn và thả lỏng tối đa. Người bệnh có thể áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp cả hại liệu trình nóng – lạnh để cải thiện tình trạng đau nhức của cơ thể.
Chườm nóng hoặc lạnh có thẻ giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn
Chườm nóng hoặc lạnh có thể giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn
  • Tắm nước ấm: Không giống như biện pháp chườm chỉ có thể tác động lên một khu vực nhất định, tắm nước ấm giúp máu lưu thông tốt hơn, thư giãn cơ bắp và ngăn ngừa viêm sưng. Thời gian ngâm nước ấm không nên quá lâu, chỉ từ 5 đến 7 phút hàng ngày. Để tinh thần dễ chịu hơn, người bệnh có thể nhỏ vào bồn tắm một số các loại tinh dầu dịu nhẹ như oải hương hay bạc hà,…
  • Xoa bóp: Xoa bóp, massage khu vực thoát vị hàng ngày cũng là một trong những cách giảm đau nhức và tê ngứa có hiệu quả lâu dài. Người bệnh có thể dùng tay hoặc các thiết bị chuyên dụng như con lăn đều được. Để gia tăng hiệu quả của liệu pháp, người bệnh nên sử dụng thêm dầu nóng hoặc các tinh dầu thảo dược được hâm nóng, ví dụ như hoa cúc, vỏ liễu trắng,..

Phòng tránh xẹp đĩa đệm cột sống

Nguyên nhân của tình trạng xẹp đĩa đệm thường do lão hóa gây ra, đây vốn là một quá trình không thể nào tránh khỏi. Thế nhưng, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh cũng như ngăn chặn nó bằng các biện pháp dưới đây:

Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng có hiệu quả rất tốt trong việc phòng tránh đĩa đệm mất nước và bị xẹp. Không những vậy, bổ sung thực phẩm đúng cách còn giúp bạn tránh được nguy cơ thừa cân, béo phì – một trong những yếu tố rủi ro có thể gây ảnh hưởng xấu đến cột sống. 

Các chuyên gia khuyến nghị nên tăng cường tiêu thụ rau xanh đậm, thịt trắng như cá và ức gà, các loại đậu, hoa quả tươi giàu vitamin A như cà rốt, ớt chuông,…

Hạn chế sử dụng thuốc lá

Hút thuốc lá gây cản trở cho quá trình hấp thụ dinh dưỡng của các đĩa đệm do trong thuốc lá có chứa quá nhiều chất độc hại, ví dụ như nicotin. Vì đĩa đệm đã có xu hướng bị hao mòn theo thời gian, việc nguồn dinh dưỡng gặp ảnh hưởng có thể khiến khiến chúng dễ bị tổn thương hơn. 

Thuốc lá không tốt cho sức khỏe cột sống
Thuốc lá không tốt cho sức khỏe cột sống

Do đó, các bác sĩ khuyến khích mọi người loại bỏ thói quen sử dụng thuốc lá ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho cột sống mà còn giúp bạn tăng cường lưu thông máu, trao đổi chất và tránh các bệnh lý liên quan đến huyết áp hoặc hệ hô hấp.

Tăng cường các bài tập vận động

Luyện tập thể dục thể thao có thể giúp loại bỏ các áp lực không mong muốn đè nén lên cột sống, tăng cường lưu thông máu và duy trì cân nặng ổn định. Bên cạnh đó, các bài tập kéo giãn cũng khiến cột sống dẻo dai, linh hoạt và các đĩa đệm ít căng thẳng hơn. Bạn tốt nhất nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia để lựa chọn được các bài tập phù hợp với thể chất và không gây ảnh hưởng xấu đến cột sống, ví dụ như yoga, bơi lội, đi bộ,…

Hy vọng với những thông tin mà bài viết tổng hợp được, bạn đọc đã phần nào giải đáp được các băn khoăn, thắc mắc liên quan đến bệnh lý xẹp đĩa đệm. Cột sống là một trong những bộ phận rất dễ chịu tổn thương. Vì vậy, bạn nên phòng tránh bệnh đúng cách bằng việc bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, bạn cũng cần sắp xếp thời gian đi khám tổng hợp định kỳ đều đặn tại bệnh viện.

ĐỪNG BỎ LỠ:

Cập nhật: 4:49 PM , 30/05/2023
MRI thoát vị đĩa đệm - Phương pháp chẩn đoán bệnh chính xác nhất hiện nay

MRI Thoát Vị Đĩa Đệm – Phương Pháp Chẩn Đoán Bệnh Chính Xác

Cột sống của con người có 34 đốt sống. Do đó, việc xác định được đốt sống nào đang gặp...
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần như thế nào?

Điều Trị Thoát Vị Đĩa Đệm Bằng Sóng Cao Tần Như Thế Nào?

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần là biện pháp được đánh giá khá tốt. Tuy nhiên,...
Chi phí mổ thoát vị đĩa đệm

Chi Phí Mổ Thoát Vị Đĩa Đệm Là Bao Nhiêu? Thông Tin Chi Tiết

Chi phí mổ thoát vị đĩa đệm là vấn đề được người bệnh quan tâm hàng đầu hiện nay. Thực...
Hình ảnh thoát vị đĩa đệm

Thoát Vị Đĩa Đệm Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị

Thoát vị đĩa đệm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến rối...
Bài tập thoát vị đĩa đệm cổ

Bài Tập Thoát Vị Đĩa Đệm Cổ Dễ Tập Và Hiệu Quả

Bài tập thoát vị đĩa đệm cổ giúp người bệnh giảm đau, mau chóng hồi phục sức khỏe. Các động...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
Top