Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Ở Người Trẻ Do Đâu? Có Nguy Hiểm Không?
Xu hướng thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ đang trở nên đáng báo động do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy, có dấu hiệu để nhận biết căn bệnh này kịp thời không? Có những cách phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ nào hiệu quả?
1. Nguyên nhân thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
Căn bệnh thoái hóa xương khớp chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi 30 – 35 đến bệnh viện khám và điều trị thoái hóa đốt sống cổ ngày càng nhiều. Bệnh thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cụ thể như:
Làm việc sai tư thế
Dưới áp lực của công việc, các bạn trẻ với công việc văn phòng là nhóm bệnh nhân chiếm tỉ lệ cao mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Với đặc thù công việc văn phòng, bệnh nhân thường xuyên ngồi làm việc nhiều giờ trước máy tính, ít vận động,…
Hoặc những công nhân thường xuyên phải cúi, ngửa, mang vác nặng trên vai để làm việc, tăng ca, làm việc quá sức. Những hoạt động tưởng chừng vô hại này, nếu lặp đi lặp lại thời gian dài sẽ gây áp lực lên vị trí lưng và cổ.
Thói quen ngủ sai cách
Ngủ trưa trên bàn làm việc, ngủ buổi tối kê gối quá cao hoặc quá mềm, không chuyển mình trong lúc ngủ cũng gây áp lực lên khớp xương ở cổ.
Thiếu các hoạt động thể chất
Sau giờ làm việc, người trẻ thường vui chơi với bạn bè hoặc về nhà nghỉ ngơi, không tham gia các hoạt động thể chất với lý do công việc chiếm toàn bộ thời gian. Càng mệt mỏi và áp lực, người trẻ càng lười vận động.
Thói quen này khiến cơ thể mất đi sự linh hoạt và dẻo dai, xương khớp lâu ngày không được vận động sẽ trở nên khô cứng, dẫn đến thoái hóa.
Chế độ sinh hoạt không lành mạnh và khoa học
Thói quen không tốt trong chế độ dinh dưỡng như ăn đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ nướng, uống ít nước,… gây sự thiếu hụt dưỡng chất tốt cho xương khớp.
Sự chủ quan của người trẻ cậy vào tuổi tác, sức khỏe dồi dào nên thường xuyên sinh hoạt không điều độ như: Thức khuya, sử dụng bia rượu, hút thuốc, sử dụng chất kích thích,…
Với tâm lý này, người trẻ thường không biết cách tự chăm sóc bản thân. Đây dường như là nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến bệnh thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ.
2. Dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
Căn bệnh này hầu như không thể nhận biết trong thời gian đầu vì không có biểu hiện đặc trưng nào. Người bệnh chỉ cảm thấy mỏi, nhức và khó vận động vùng cổ, đặc biệt là mỗi sáng thức dậy.
Một thời gian sau, thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu như:
- Cử động cổ khó khăn: Khi xoay cổ, lắc đầu sẽ cảm thấy hơi vướng, thỉnh thoảng bị vẹo cổ vào sáng sớm khiến cử động đầu khó khăn.
- Những cơn đau kéo dài từ cổ xuống vai: Bạn có thể bị đau phần vai và gáy, những cơn đau kéo dài gây vẹo cổ, sái cổ. Cơn đau lan lên vùng trán, gây nhức đầu. Phần bả vai và cánh tay cũng bị ảnh hưởng.
- Hiện tượng cứng cổ: Nhất là vào thời tiết lạnh, kết hợp với nằm ngủ sai tư thế sẽ khiến bạn bị cứng cổ khi thức dậy. Hiện tượng này khiến bạn không thể xoay đầu linh hoạt mà phải xoay cả người, gây đau khi vận động, hắt hơi hoặc ho.
- Dấu hiệu Lhermitte (dấu hiệu “ghế thợ cắt tóc”): Là cơn đau đột ngột xuất hiện như một luồng điện từ cổ xuống sống lưng. Đây là dấu hiệu nhận biết khá rõ rệt cho bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Căn bệnh này hầu như đều có dấu hiệu nhận biết là cảm giác đau và khó khăn khi vận động vùng cổ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không được biểu hiện một cách rõ ràng.
3. Phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
Việc điều trị thoái hóa đốt sống cổ sẽ dựa trên nguyên nhân và tình trạng của bệnh nhân. Mục đích chính vẫn là giảm đau đớn, đồng thời giúp hoạt động ở vùng cổ trở lại bình thường, ngăn chặn sự thoái hóa lan rộng làm tổn thương tủy sống và dây thần kinh.
Bệnh nhân có thể tham khảo một số phương pháp điều trị như:
Phương pháp nội khoa dùng thuốc Tây y
Một số loại thuốc Tây y có tác dụng điều trị bệnh thoái hóa cột sống cổ phải kể đến như:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, acetaminophen, fentanyl, hydrocodone,…
- Thuốc giảm đau không Steroid (NSAID): Aspirin, ibuprofen hoặc thuốc giảm đau chứa Steroid khi điều trị bằng NSAID không hiệu quả.
- Thuốc đặc trị thoái hóa đốt sống: Metropole, Carisoprodol, Baclofen, Cyclobenzaprine.
- Thuốc chống thoái hóa: Diacerein, Chondroitin, Glucosamine.
Phương pháp vật lý trị liệu
Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh còn có thể áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu để điều trị bệnh:
- Châm cứu: Dùng kim châm vào huyệt đạo trên cơ thể giúp kích thích sản sinh Endorphin – chất trung gian làm giảm cơn đau và lưu thông tuần hoàn máu. Kích thích sản sinh Steroid nội sinh vùng đốt sống cổ bị tổn thương, giúp kháng viêm và giảm đau hiệu quả.
- Bài tập vật lý trị liệu tại nhà: Các bài tập thư giãn vùng cổ, lực cân bằng vùng cổ, xoay cổ, kéo dãn hai bên,… là các bài tập đơn giản giúp tác động nhẹ nhàng lên vị trí đốt sống cổ, hỗ trợ điều trị bệnh.
- Máy kéo dãn đốt sống cổ: Là phương pháp dành cho người bị thoái hóa đốt sống cổ ở mức biến dạng đường cong sinh lý của cột sống. Phương pháp này thực hiện kéo giãn các cơ vùng cột sống, đưa đĩa đệm về vị trí ban đầu, giúp rễ thần kinh không bị chèn ép bởi các gai xương.
Phương pháp phẫu thuật
Điều trị thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ bằng phương pháp phẫu thuật chỉ áp dụng khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả.
Một số phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh thường gặp như:
- Phẫu thuật loại bỏ đĩa đệm bị thoái hóa
- Cắt bỏ một phần đốt sống cổ
- Phẫu thuật ghép xương hoặc phần cứng
- Phẫu thuật thay đốt sống nhân tạo
ĐỌC THÊM: Kinh nghiệm chọn gối cho người thoái hóa đốt sống cổ – đừng bỏ qua
Điều trị bằng Đông y
Chữa thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ bằng Đông y sẽ vận dụng các vị thuốc quý có lợi cho xương khớp, kết hợp căn cứ vào thể bệnh và cơ địa của từng bệnh nhân.
Bài thuốc số 1: Độc hoạt ký sinh thang gia giảm
- Biểu hiện: Đau nhẹ phần cổ, vai và gáy. Dần dần, cơn đau lan xuống bả vai và cánh tay.
- Tác dụng: Khu phong – trừ hàn – bổ huyết – thông kinh mạch
- Các vị thuốc: Đỗ trọng, sinh đại, tang ký sinh, phục linh, lan căn, mẫu đơn trắng, độc hoạt cùng lượng 12g. Quế chi, phụ tử, thanh táo cùng lượng 8g. Đẳng sâm, tần quy mỗi loại 16g. Và thêm Trôm lây 6g.
- Cách sắc: Đem sắc với nước lọc, thu về ba bát nước đặc dùng để uống 3 lần mỗi ngày. Mỗi ngày một thang.
Bài thuốc số 2: Can khương thương truật gia giảm
- Biểu hiện: Tê bì cổ và tay, cứng cổ khó cử động, đau nhói đốt sống cổ.
- Tác dụng: Thông kinh mạch – tán hàn – khu phong – trừ thấp
- Các vị thuốc: Khương hoạt, thiên tinh sơn, tang ký sinh và ngưu tất cùng lượng 12g. Phục linh 10g và can khương 6g.
- Cách sắc: Cho thang thuốc vào nồi cùng 1 lít nước, sắc cho đến khi thu được 3 bát nước cốt. Chia đều uống 3 lần mỗi ngày, mỗi thang sắc uống hết trong 1 ngày.
4. Phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ
Xuất phát từ nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ, bạn cần chú ý một số vấn đề trong phòng ngừa căn bệnh này như sau:
- Làm việc đúng tư thế: Ngồi thẳng lưng, khuỷu tay vuông góc với cánh tay, hai chân chạm đất, cổ tay để thẳng. Cứ 1 – 2 tiếng ngồi làm việc, bạn nên đứng dậy 5-10 phút để đi lại, xoa bóp vai và cổ.
- Ngủ đúng tư thế: Không kê gối quá cao hoặc quá thấp, tránh gây áp lực lên cổ, gáy và vai. Học thói quen chuyển mình khi đi ngủ để không bị cứng khớp cổ. Không ngủ trưa trên bàn làm việc.
- Bổ sung thêm các dưỡng chất tốt cho xương: Sữa, cá biển, rau củ quả có màu xanh đậm, sinh tố hoa quả,… hoặc bổ sung vitamin bằng các thực phẩm bổ sung.
- Vận động và luyện tập thường xuyên hơn: Người trẻ cần có kế hoạch luyện tập một bộ môn thể dục như tập yoga chữa thoái hóa đốt sống cổ, chạy bộ, tập gym, bơi lội, zumba,… Hoặc các bài tập đơn giản tại nhà giảm căng thẳng. Như vậy, vừa có thể giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt hơn, vừa đẩy lùi được nhiều căn bệnh về xương khớp.
Có thể thấy, thoái hóa đốt sống ở người trẻ chủ yếu là do sự chủ quan không chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Khi có dấu hiệu bất thường ở vị trí cổ và vai gáy, bệnh nhân cần được thăm khám và các phác đồ điều trị phù hợp.
ĐỪNG BỎ QUA:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!