Viêm khớp thái dương hàm: Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp điều trị hiệu quả
Viêm khớp thái dương hàm tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể gây suy giảm chức năng hàm. Điều này khiến người bệnh gặp nhiều khó chịu khi nhai, nuốt và nói chuyện. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng, khiến người bệnh không thể cử động được cơ hàm. Bởi vậy, tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp điều trị bệnh hiệu quả là điều vô cùng cần thiết.
Bệnh viêm khớp thái dương hàm là gì?
Khớp thái dương hàm có vị trí ở gần tai, giữ nhiệm vụ đóng, mở hàm. Khi khớp hoạt động ổn định sẽ đảm bảo cho hoạt động ăn, uống, nhai, nuốt thức ăn hàng ngày.
Theo các chuyên gia, phần khớp thái dương hàm thường được bao bọc bởi một lớp sụn và ngăn cách với nhau bởi các đĩa đệm. Điều này giúp quá trình chuyển động của các khớp được tiến hành một cách trơn tru nhất. Khi viêm khớp hàm, lúc này cơ xương hàm bị suy giảm, tạo lên những cơn đau cơ thắt theo chu kỳ.
Đa phần bệnh xảy ra ở một bên hàm, tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh có thể xảy ra tại 2 bên gây nhiều phiền phức cho người mắc bệnh. Mặc dù viêm khớp thái dương hàm có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Dù vậy theo các nghiên cứu khoa học, nữ giới trong tuổi dậy thì và tiền mãn kinh thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với thông thường do ảnh hưởng của thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.
Khi mới khởi phát, bệnh thường không gây ra những nguy hiểm nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tình trạng viêm khớp thái dương hàm mãn tính, khiến khớp thái dương hàm bị biến dạng, hư hại và trật khớp. Người bệnh thường có cảm giác đau cơ, không há được miệng, gây phiền hà trong ăn uống.
Nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm phổ biến
Theo các bác sĩ chuyên khoa, viêm khớp hàm thái dương có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Ảnh hưởng bởi một số bệnh xương khớp: Thông thường, các bệnh về xương khớp chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh này. Trong đó, khoảng 50% nguyên nhân gây bệnh là do viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, một số bệnh khác liên quan đến viêm khớp quai hàm chính là thoái hóa khớp, nhiễm khuẩn khớp, khớp bị viêm…
- Chấn thương, tai nạn: Với những người bị chấn thương do vận động thể thao, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… cũng dễ mắc viêm khớp thái dương hàm.
- Thói quen sinh hoạt kém lành mạnh: Bệnh thường gặp ở những người có thói quen nghiến răng, siết hàm, cắn móng tay. Bởi lẽ những hành động này có thể khiến khớp thái dương hàm hoạt động quá sức, lâu dần bị chệch khớp.
- Tác dụng phụ khi thực hiện tiểu phẫu nha khoa: Những người áp dụng các giải pháp điều trị nha khoa như chỉnh răng, nhổ răng, niềng răng cũng có thể gia tăng nguy cơ bị bệnh.
- Một số nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân tăng nguy cơ mắc viêm khớp hàm gồm yếu tố di truyền, stress, tâm lý bất ổn…
Các dấu hiệu viêm khớp thái dương hàm thường gặp
Khi mắc viêm khớp xương hàm, người bệnh thường có các triệu chứng sau:
- Đau nhức dữ dội ở hai bên hàm: Cảm giác đau nhức, khó chịu có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên khớp thái dương hàm. Đặc biệt, cơn đau thường gia tăng và trở lên dữ dội khi người bệnh ăn uống hoặc nói chuyện. Trong trường hợp viêm khớp thái dương hàm nổi hạch, lúc này cơn đau càng trở lên dữ dội hơn.
- Khó cử động khớp hàm: Khi bệnh tiến triển nặng với các cơn đau xuất hiện liên tục, người bệnh có thể sẽ không cử động được khớp xương hàm. Ngoài ra, khi đóng mở hàm sẽ phát ra tiếng khớp lục cục, lạo xạo.
- Cơ nhai phì đại, mặt biến dạng: Cùng với hiện tượng nổi hạch, người bệnh thường gặp phải tình trạng cơ nhai bị phì đại, vùng hàm bị sưng to. Điều này thường khiến khuôn mặt biến dạng, mất cân đối cũng như khiến việc nhai, nói chuyện cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
- Một số triệu chứng khác: Bên cạnh các triệu chứng điển hình thường gặp, người bệnh còn có thể bị hoa mắt, chóng mắt, đau đầu, ù tai… Nếu hạch to lên, người bệnh sẽ có cảm giác nóng sốt cả ngày.
Về cơ bản, tùy theo mức độ bệnh mà người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng khác nhau. Do đó, nếu cơ thể có những dấu hiệu bất thường, người bệnh cần chủ động tìm tới bác sĩ để được kiểm tra trong thời gian sớm nhất.
Tình trạng viêm khớp thái dương hàm có nguy hiểm không? Chữa được không?
Với những dấu hiệu trên, vậy khi mắc viêm khớp thái dương hàm có nguy hiểm không? Mặc dù bệnh không đe dọa đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh như:
- Các cơn đau cơ hàm kéo dài, cảm giác đau tăng dần vào ban đêm có thể khiến người bệnh bị rối loạn giấc ngủ, thậm chí là mất ngủ. Về lâu dài, điều này gây mệt mỏi, kiệt sức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống.
- Nếu không được điều trị sớm sớm, viêm khớp thái dương khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng do gặp khó khăn trong việc ăn uống.
- Vị trí khớp thái dương hàm nằm ngay dưới tai nên khi viêm khớp kéo dài có thể dẫn đến tình trạng ù tai, suy giảm thính giác, có thể gây điếc cho người mắc bệnh.
- Bệnh có thể gây biến chứng vùng hàm như khóa hàm, trật khớp hàm, hàm bị kẹt vĩnh viễn. Ngoài ra, về lâu dài bệnh gây giãn khớp, gây thủng đĩa khớp, phá hủy đầu xương khiến bệnh nhân không thể há miệng.
Các cách chẩn đoán viêm khớp thái dương hàm hiện nay
Để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm khớp xương hàm, người bệnh cần tiến hành thăm khám tại các cơ sở y tế. Tại đây, các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp giúp chẩn đoán chính xác căn bệnh này. Trước tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành các kiểm tra lâm sàng như:
- Hỏi người bệnh các thông tin về triệu chứng, thói quen sinh hoạt.
- Yêu cầu người bệnh đóng và mở miệng để quan sát hoạt động của cơ hàm.
- Kiểm tra các khu vực xung quanh hàm để xác định chính xác vị trí đau.
Thông qua kiểm tra lâm sàng, nếu nhận thấy người bệnh có khả năng mắc viêm khớp thái dương hàm. Lúc này, các bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành một số kiểm tra lâm sàng như:
- Yêu cầu chụp X quang để kiểm tra chính xác tổn thương của răng và hàm.
- Chụp CT để có được hình ảnh chi tiết vùng xương hàm thái dương.
- Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh có liên quan đến các đĩa sụn và mô mềm quanh khớp, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp MRI.
- Ngoài ra nội soi là phương pháp được áp dụng trong một số trường hợp.
Một số biện pháp điều trị bệnh viêm khớp hàm hiệu quả
Khi mắc bệnh, người bệnh thường thắc mắc viêm khớp thái dương hàm có chữa được không? Đây là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị sớm. Hiện nay, có ba phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến gồm áp dụng mẹo dân gian, sử dụng thuốc Tây y và Đông y.
Điều trị bệnh bằng mẹo vặt dân gian
Áp dụng các mẹo dân gian có khả năng hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, hiệu quả của cách trị viêm khớp tại nhà nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người bệnh.
Sử dụng lá lốt
Lá lốt có chứa nhiều thành phần như benzyl axetat, beta – caryophylen, ancaloit mang tính kháng khuẩn tốt cũng như hỗ trợ giảm thiểu các cơn đau ở ổ khớp. Ngoài ra, một số hoạt chất trong loại lá này còn cho khả năng chắc xương, khỏe gân cốt.
- Chuẩn bị: 1 nắm lá lốt tươi, 1 ít muối, 100ml nước lọc.
- Cách thực hiện: Lá lốt rửa sạch, cho vào nồi rồi thêm muối, nước và đun sôi trong 15 phút. Sau đó, người bệnh chắt nước và chia làm 2 lần uống/ ngày.
Sử dụng lá ngải cứu
Ngải cứu là dược liệu có khả năng khai thông khí huyết, giảm đau nhức xương và tiêu viêm hiệu quả. Do đó, loại cây này thường được ứng dụng phổ biến trong điều trị các bệnh xương khớp, đặc biệt là viêm khớp thái dương hàm.
- Chuẩn bị: 1 nắm ngải cứu tươi, 1 thìa mật ong.
- Cách thực hiện: Ngải cứu rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào cối giã nát cùng một chút nước. Tiếp đến, dùng vải sạch vắt lấy nước cốt và pha cùng mật ong rồi chia làm 2 lần uống trong ngày.
Sử dụng củ gừng
Trong gừng có chứa nhiều hoạt chất có khả năng kích thích lưu thông máu, đồng thời kháng khuẩn, giảm viêm rất tốt. Do đó, sử dụng loại gia vị này sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh viêm khớp thái dương hàm với hiệu quả cao.
- Chuẩn bị: 1 củ gừng, 100ml rượu trắng nguyên chất.
- Cách thực hiện: Gừng cạo vỏ, rửa sạch, giã nát rồi ngâm với rượu trắng khoảng 3-5 hôm. Sau đó, sử dụng rượu gừng để thoa lên vùng khớp bị viêm từ 1-2 lần mỗi ngày cho đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Điều trị bệnh bằng Tây Y
Viêm khớp thái dương hàm là bệnh lý xương khớp tồn tại nhiều nguy cơ biến chứng nếu không được chữa trị kịp thời. Chính vì vậy, nếu như việc can thiệp giảm đau tại nhà không hiệu quả, người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Tùy vào mức độ bệnh mà người bệnh cần áp dụng hai cách thức điều trị viêm khớp thái dương hàm gồm điều trị không xâm lấn (sử dụng thuốc) và điều trị xâm lấn.
Điều trị không xâm lấn (Sử dụng thuốc Tây)
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm hoặc giãn cơ… cụ thể như sau:
- Thuốc kháng sinh: Các loại kháng sinh được sử dụng phổ biến gồm Cephalosporin thế hệ 1, 2, 3, Penicillin G hoặc Oxacillin. Đây là những loại thuốc có khả năng ức chế và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, tránh viêm nhiễm xảy ra.
- Thuốc chống viêm không chứa steroid: Các loại thuốc điều trị viêm nhiễm và rối loạn khớp thái dương hàm thường gặp gồm Meloxicam, Aspirin và Diclofenac.
- Thuốc giảm đau nhức: Để giảm đau hiệu quả, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định một số loại thuốc giảm đau như Paracetamol, Codein,… Thuốc giúp người bệnh có thể nhai, nuốt thức ăn dễ dàng hơn.
- Một số loại thuốc khác: Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được kê thêm thuốc chống trầm cảm, điều trị mất ngủ hoặc các loại thuốc chống giãn cơ,…
Khi sử dụng thuốc Tây điều trị viêm khớp thái dương hàm, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định về liều dùng của từng loại thuốc. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Phương pháp điều trị xâm lấn
Trong trường hợp sử dụng thuốc Tây không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp xâm lấn như phẫu thuật, điều trị nha khoa, chỉnh hình răng… như sau:
1. Phẫu thuật điều trị viêm khớp thái dương
Giải pháp này giúp thay thế hoặc sửa chữa những phần khớp đang bị tổn thương, viêm nhiễm tại cơ hàm hai bên. Trong trường hợp bệnh nhân đáp ứng tốt với phương pháp này, viêm khớp thái dương có thể được chữa khỏi sau vài ngày.
Tuy nhiên trong trường hợp bệnh nặng, đôi khi quá trình điều trị và phục hồi có thể kéo dài cả năm. Thậm chí một số trường hợp có thể phải sống chung với bệnh cả đời. Do đó, người bệnh cần thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật.
2. Điều trị nha khoa
Trong trường hợp nguyên nhân viêm khớp hàm là do sai lệch răng, khớp cắn điều trị nha khoa có thể được chỉ định. Lúc này, bệnh nhân có thể lựa chọn giải pháp trồng răng giả hoặc niềng răng để sắp xếp lại vị trí và khớp cắn cho cân bằng hơn.
3. Vệ sinh khớp thái dương hàm
Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành chọc rửa toàn bộ phần khớp đã bị viêm nhiễm để bảo vệ khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, để tránh gây nhiễm trùng và biến chứng không mong muốn, người bệnh nên tìm đến những bệnh viện, cơ sở chuyên khoa uy tín để thực hiện phương pháp này.
Điều trị bệnh bằng Đông y
Dùng thuốc Đông y trị đau nhức xương khớp là biện pháp được nhiều người lựa chọn. Những bài thuốc này cũng có thể giúp cải thiện hiệu quả tình trạng viêm khớp thái dương hàm hiệu quả. Thông thường, các bài thuốc sẽ tập trung vào việc nâng cao sức khỏe và loại bỏ các tác nhân gây bệnh cũng như góp phần chặn tình trạng đau khớp tái phát.
Để điều trị bệnh bằng Đông y, người bệnh nên thăm khám tại các phòng khám Đông y uy tín. Tại đây, các bác sĩ sẽ thăm khám, bốc thuốc tùy vào tình trạng bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng kết hợp thêm với các phương pháp như chườm nóng, lạnh, xoa bóp, bấm huyệt, diện chẩn để giảm đau nhức, trị bệnh hiệu quả.
Mắc viêm khớp thái dương hàm nên ăn gì, kiêng gì?
Cùng với việc áp dụng các phương pháp điều trị, việc áp dụng chế độ ăn uống hàng ngày hợp lý sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh với hiệu quả cao. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm người bệnh nên tăng cường bổ sung và hạn chế sử dụng trong quá trình điều trị viêm khớp thái dương.
Những thực phẩm nên sử dụng
Chọn và sử dụng thực phẩm đúng cách giúp người bệnh nhai, nuốt dễ dàng hơn. Cùng với đó, một số loại thực phẩm còn có tác dụng giảm viêm, giảm đau cứng các khớp hiệu quả.
- Thức ăn mềm: Do người bệnh thường gặp nhiều khó khăn khi nhai, nuốt. Bởi thế các món ăn mềm như cháo, nui, bún, miến… chính là sự lựa chọn hàng đầu khi điều trị bệnh.
- Cá: Các loại cá chứa nhiều omega 3 cá thu, cá hồi là sự lựa chọn không thể bỏ qua cho những người bị viêm khớp thái dương hàm nhờ khả năng giảm viêm, giảm đau cứng các khớp.
- Óc chó: Trong quả óc chó chứa nhiều vitamin C, chất xơ và protein cần thiết. Đây đều là những dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe xương khớp, cho khả năng kích thích quá trình tái tạo tế bào sụn và tăng tuần hoàn máu đến các vùng khớp bị tổn thương.
- Rau bina: Trong rau bina có chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ sụn khớp, ức chế quá trình phát triển của các gốc tự do gây hại cho khớp hiệu quả.
- Các loại quả mọng: Sử dụng các loại quả như dâu tây, việt quất, anh đào sẽ giúp tăng cường miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh về xương khớp hiệu quả.
- Các loại nấm: Trong thực phẩm này chứa nhiều protein và các chất chống oxy hóa giúp giảm đau, cải thiện tình trạng co cứng, giúp khớp hoạt động linh hoạt hơn.
- Bơ: Loại trái này có khả năng tăng cường collagen trong cơ thể, giúp các gân và sụn khớp hoạt động trơn tru hơn.
Những thực phẩm không nên sử dụng
Cùng với những loại thực phẩm nên sử dụng, người bệnh cần hạn chế một số thực phẩm và đồ uống dưới đây. Chúng có khả năng kích hoạt các phản ứng viêm nhiễm trong cơ thể.
- Đồ ăn cứng: Những món ăn cứng thường khiến quá trình cử động cơ hàm thái dương gặp nhiều khó khăn khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
- Muối: Đây là một trong những thực phẩm người bị đau nhức xương khớp nên kiêng. Vì sử dụng nhiều muối trong chế biến món ăn có thể gây thất thoát một lượng lớn canxi trong cơ thể. Điều này không chỉ khiến tình trạng viêm khớp thêm nặng hơn mà còn dẫn đến loãng xương, cao huyết áp, suy giảm chức năng thận.
- Đồ ngọt: Đồ ăn nhiều đường là nguyên nhân khiến khí huyết lưu thông chậm, cản trở quá trình phục hồi của các khớp.
- Đồ uống có cồn, có ga: Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra đồ uống chứa cồn sẽ làm cản trở phác đồ điều trị viêm khớp, làm giảm mật độ của xương, khiến chúng trở nên giòn và dễ gãy.
- Thịt đỏ: Việc ăn nhiều thịt đỏ cũng có thể làm cơ thể mất một lượng canxi nhất định.
- Thức ăn nhanh: Nhóm thực phẩm này chứa rất nhiều chất bảo quản và natri. Khi sử dụng thường xuyên, chúng sẽ kích thích phản ứng viêm trong cơ thể, khiến tình trạng viêm khớp thái dương hàm thêm phần nặng hơn.
Cách phòng ngừa viêm khớp hàm hiệu quả
Cùng với việc áp dụng chế độ ăn lành mạnh, xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học hàng ngày sẽ giúp hạn chế sự phát triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra:
- Người bệnh nên thường xuyên sử dụng lực ở các đầu ngón tay để tiến hành xoa bóp và massage vùng dưới hàm mỗi ngày.
- Hạn chế mở miệng đột ngột hoặc quá rộng nhất là khi ăn hoặc khi ngáp để tránh gây tác động đến cơ hàm.
- Tuyệt đối không cắn chặt răng, nghiến răng khi đi ngủ. Ngoài ra, người bệnh cần từ bỏ thói quen chống cằm, cắn móng tay bởi dễ gây tổn thương cho xương hàm.
- Nếu răng mọc không đều, chen chúc, xô đẩy nhau cần tiến hành điều chỉnh nha khoa sớm, tránh gây ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm.
- Thường xuyên tập thể dục, thể thao hàng ngày để góp phần tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể.
Viêm khớp thái dương hàm là bệnh gây rất nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Do đó, khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh cần thăm khám và điều trị bệnh kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!