Chữa Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Bằng Diện Chẩn: Lợi Ích Và Phác Đồ
Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng diện chẩn là liệu pháp kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Đây được xem là phương pháp điều trị không dùng thuốc khá hiệu quả nhưng nhiều bệnh nhân còn chưa được tiếp cận.
Diện chẩn chữa thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Diện chẩn được biết đến là liệu pháp chữa trị kết hợp giữa y học cổ truyền Việt nam với y học phương Tây hiện đại và Triết học phương Đông. Thông qua nguyên tắc phản xạ thần kinh, thực hiện diện chẩn có thể chẩn đoán và điều trị thoái hóa đốt sống cổ mà không cần sử dụng thuốc, bắt mạch hay châm cứu.
Cụ thể hơn, diện chẩn là liệu pháp tác động trực tiếp vào Sinh Huyệt và Đồ hình phản chiếu để chẩn đoán, điều trị và kiểm soát bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Trong đó, Đồ hình phản chiếu là các vùng tương ứng với vị trí bị thoái hóa. Còn Sinh Huyệt là các huyệt vị nhạy cảm bị tổn thương do bệnh.
Khi diện chẩn chữa thoái hóa đốt sống cổ, thầy thuốc sẽ sử dụng một số vật chuyên dụng như: Búa gỗ, cây lăn, bàn tay, que cào,… Dùng những vật dụng này tác động một lực vừa phải lên huyệt vị bị tổn thương, thần kinh đa hệ của nội tạng và ngoại vi trên cơ thể thông qua Đồ hình phản chiếu.
Bằng lực tác động này, diện chẩn kích thích trực tiếp lên các mạch máu, dây thần kinh và bó cơ vùng cổ. Từ đó giúp tăng cường hoạt động lưu thông máu, giảm đau, giảm cứng cơ nhằm cải thiện chức năng hoạt động của xương khớp.
Ưu điểm của phương pháp diện chẩn
Giống như các liệu pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ khác, mục đích của diện chẩn là giảm các triệu chứng đau nhức của bệnh, hỗ trợ kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn. Một số ưu điểm mà phương pháp diện chẩn đem lại đó là:
- Kích thích tuần hoàn máu lưu thông: Khi đốt sống cổ bị thoái hóa, sự tuần hoàn máu tại vị trí này bị tắc nghẽn gây nên các triệu chứng đau nhức, suy nhược, mệt mỏi,… Diện chẩn tác động vào dòng lưu thông của khí huyết, có tác dụng khai thông sự tắc nghẽn, thúc đẩy trao đổi chất, phục hồi thương tổn và tăng tái tạo các mô sụn đang gặp vấn đề.
- Giảm đau hiệu quả: Bằng việc tác động lên huyệt vị, diện chẩn kích thích sản sinh các chất nội sinh có khả năng giảm đau và khám viêm. Từ đó hỗ trợ quá trình điều trị diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh: Thống kê cho thấy, áp dụng phương pháp diện chẩn giúp người bệnh giảm nguy cơ mắc thoái hóa đốt sống cổ lên tới 80%. Để đạt được hiệu quả tối đa, bệnh nhân nên kết hợp diện chẩn với các phương pháp điều trị khác theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc và bác sĩ chuyên khoa.
Nhược điểm chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng diện chẩn
Bên cạnh các ưu điểm, chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng diện chẩn cũng tồn tại một số nhược điểm như:
- Diện chẩn không thể kiểm soát hoàn toàn bệnh thoái hóa đốt sống cổ do chưa thể tác động sâu vào bên trong cơ thể. Đây chỉ là liệu pháp hỗ trợ thêm trong quá trình điều trị giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng.
- Mức độ hiệu quả của liệu pháp phục thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người.
- Liệu pháp chỉ đem lại hiệu quả khi thực hiện trong khoảng thời gian nhất định, đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì.
- Phương pháp này chống chỉ định với trường hợp phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người bị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể.
ĐỌC THÊM: Thoái hóa đốt sống cổ có nên nằm gối hay không và những thông tin cần biết
Cách chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng diện chẩn
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bệnh nhân sẽ được áp dụng những phác đồ chữa trị khác nhau. Trong đó có hai phác đồ cơ bản như sau:
Phác đồ số 1
Đối tượng áp dụng: Người bị thoái hóa đốt sống cổ tê tay, đau nửa đầu, cứng cổ gáy, nhức hốc mắt, sau gáy có thể xuất hiện cục u nhỏ,…
Phác đồ số 1 được thực hiện trong 10 ngày với liệu trình cụ thể như sau:
Ngày thứ nhất:
- Dùng cây cào hoặc dùng tay cào kỹ vùng đầu, vạch ra sáu vùng phản chiếu của hệ bạch huyết theo Đồ hình.
- Đánh dấu Đồ hình trên đầu bệnh nhân và tiếp tục sử dụng đầu ngón tay hoặc cây cào, cào từ đỉnh đầu xuống gáy.
- Dùng tay day ấn các huyệt ổn định thần kinh là: 34, 103, 124, 106, 0, 16.
- Sử dụng điếu ngải cứu nóng hơ gót chân và nắm tay phải tương ứng với phần đầu. Dùng cây lăn lăn quanh đầu gối, tiếp tục hơ điếu ngải cứu, đồng thời vạch ở ngón tay cái và ngón chân cái.
Ngày thứ hai:
- Thực hiện tương tự buổi đầu tiên, bổ sung thêm hơ điếu ngải cứu ở các vị trí sau: Hai cung chân mày, hai bên thắt lưng, vạch hai bả vai rồi xuôi xuống cánh tay.
- Tiếp theo, dùng ngón tay cái day ấn vào huyệt số 3, 14, 19, 275, 61, 26. Đồng thời vạch một lực lên vị trí hai bên đầu và cánh tay tương ứng với Đồ hình trên mặt.
- Hơ điếu ngải cứu từ vùng bả vai xuôi xuống hai cánh tay. Vạch lực mạnh hơn và thật kỹ ở cổ tay, sau đó tiến hành lăn và vạch đẩy ra những kẽ ngón tay cho đến đầu ngón tay.
Ngày thứ ba:
- Lương y thực hiện các động tác diện chẩn giống ngày đầu tiên, đồng thời bổ sung lăn các bộ mềm cơ tại các huyệt 312, 51, 8, 26, 61, 17.
- Thực hiện hơ và day vùng cổ gáy dọc xuống xương cụt theo đường sống lưng. Lăn và vạch vị trí cổ gáy xuống bả vai và cánh tay.
- Day ấn bộ huyệt tiêu u bướu gồm các huyệt: 85, 38, 41, 143, 19, 127, 37, 38, 312 và bộ huyệt âm huyết gồm: 0, 22, 127, 63, 17, 7, 113, 64, 1, 290, 37, 8, 312, 64.
Các ngày tiếp theo, tiếp tục diện chẩn giống với ngày thứ ba. Bệnh nhân duy trì thực hiện diện chẩn khoảng 30 lần sẽ thấy các triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ thuyên giảm đáng kể, đặc biệt là các triệu chứng tê tay, đau đầu, căng cơ, đau vai gáy.
Phác đồ số 2
Đối tượng áp dụng: Bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ C5, C6 cùng với các triệu chứng như: Tay phải, vai phải hoặc gáy bị tê mỏi, ngủ không ngon giấc, mất ngủ, cơ thể bức bối, khó chịu.
Bệnh nhân được áp dụng phác đồ như sau:
Trong bốn ngày đầu tiên:
- Dùng que cào đầu, gõ và vạch Đồ hình trên đầu bệnh nhân.
- Tương tự phác đồ 1, vạch 6 vùng phản chiếu theo Đồ hình.
- Thực hiện day ổn định thần kinh với các huyệt: 34, 103, 124, 106 và bộ huyệt trị tắc nghẽn là: 61, 3, 19, 26, 14, 275.
- Vạch vùng phản chiếu Đồ hình phần gáy trên đầu và mặt.
- Vạch đồng thời hơ ở cung mày và ấn đường.
- Nắm tay, hơ và vạch từ phần dưới cổ tay lên đỉnh nắm tay và quanh cổ tay. Tiếp tục vạch xuôi mu bàn tay, vạch để ra ngón tay rồi lăn các ngón tay.
Ngày thứ 5:
- Day và hơ điếu ngải cứu tại vị trí các huyệt đạo số: 39, 50, 26, 61, 14, 5, 3, 17.
- Tiếp tục vạch cung mày, đồng thời lăn kỹ vị trí bả vai, cánh tay và lưng.
- Nếu bệnh nhân bị đau nhức ở tay, lương y thực hiện ấn huyệt bộ nhức gồm các huyệt: 34, 39, 0, 65, 300.
Lưu ý trong và sau khi chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng diện chẩn
Trong quá trình diện chẩn chữa thoái hóa đốt sống cổ, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tuân thủ đúng liệu trình mà lương y đề ra trong suốt thời gian diện chẩn. Không tự ý dừng hoặc kéo dài, rút ngắn thời gian điều trị.
- Không ngồi gù lưng, nằm đệm mềm, cong người hoặc giữ một tư thế quá lâu, cần thường xuyên cử động nhẹ nhàng.
- Không nằm gối quá cao hoặc quá thấp, chỉ nên chọn loại gối vừa phải, có chất liệu mềm, độ cao từ 15 – 18cm là phù hợp với người bị thoái hóa đốt sống cổ.
- Nên tạo thói quen thay đổi tư thế, chuyển mình trong lúc ngủ để máu dễ dàng lưu thông hơn.
- Trong thời gian diện chẩn, bệnh nhân có thể kết hợp thêm các bài thuốc uống theo chỉ dẫn của lương y hỗ trợ thêm cho quá trình điều trị.
Thời gian sau khi kết thúc diện chẩn, bệnh nhân cũng chú ý:
- Bệnh nhân không nên vận động quá mạnh, đặc biệt là các hoạt động như: Chạy nhanh, cúi gập người, mang vác đồ nặng,…
- Không vặn, lắc, bẻ, gập vùng xương sau khi diện chẩn.
- Bệnh nhân có thể tập một số bài tập nhẹ nhàng tại nhà giúp giãn gân cốt, tốt cho hệ xương khớp và giúp cơ thể vận động linh hoạt hơn.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là các thực phẩm tốt cho xương khớp như: Cá, hải sản, sữa, đậu nành, các loại hạt,…
Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng diện chẩn là liệu pháp điều trị không dùng thuốc đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì tuân thủ liệu trình. Bệnh nhân nên tham khảo thông tin và tìm đến các cơ sở có các bác sĩ, lương y chuyên môn cao để được tư vấn điều trị.
ĐỪNG BỎ QUA:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!